Các dự án năng lượng tái tạo được yêu cầu cung cấp tài liệu xây dựng khung giá điện chuyển tiếp

Bộ Công thương vừa yêu cầu EVN tính toán khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản đề nghị các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trên đất liền, nhà máy điện gió trên biển ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021, cung cấp các báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định gửi EVN để phục vụ triển khai tính toán khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

EVN cũng được yêu cầu lựa chọn thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCT ban hành ngày 3/10/2022, trình Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, thẩm định và báo cáo Bộ Công thương xem xét để ban hành khung giá.

Bình luận về yêu cầu này của Bộ Công thương, một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng cho rằng, EVN cũng là doanh nghiệp và đang mua điện của chính các nhà máy năng lượng tái tạo, vì thế việc EVN – dù là doanh nghiệp Nhà nước đề xuất khung giá là chưa hợp lý và dễ xung đột lợi ích.

Theo thống kê của Bộ Công thương, công suất các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện là 11.921 MW. Trong số này, có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475 MW.

Các dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 là 84 dự án, với tổng công suất 3.980,265 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là 325,15 MW và tổng công suất chưa COD là 1.031,1 MW.

Cạnh đó, có khoảng 2.428,42 MW điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm cả những dự án đã hoàn thành thi công nhưng chưa được bán điên) cũng đang được Bộ Công thương đề xuất bổ sung quy hoạch để phát triển tới năm 2030.

Đây là các dự án điện mặt trời nằm trong số 51 dự án/hoặc một phần dự án điện mặt trời có với tổng công suất 6.564,67 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng chưa vào vận hành trước ngày 1/1/2021 và hiện đang chơi vơi vì chưa có chính sách tiếp theo cho loại hình này.

Tính tới ngày 31/12/2020, đã có 148 dự án điện mặt trời được công nhận COD với tổng công suất là 8.652,9 MW.

Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai sẽ được áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như nêu ở trên, để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây có thể coi là một trong những tiền đề để giải toả phần nào những vấn đề đang đặt ra cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gần đây.

Thông tư 15 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá mua điện quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích, phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 26/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam.

Khung giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển là dải giá trị từ giá trị tối thiểu (0 đồng/kWWh) đến giá trị tối đa.

Phương pháp xác định giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời, gió dựa trên chi phí vốn đầu tư, điện năng giao nhận bình quân, tỷ suất chiết khấu tài chính, tỷ suất sinh lời…

Ngày 4/10/2022, Bộ Công thương có công văn gửi EVN về việc tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. 

Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu EVN có văn bản đề nghị các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà má điện gió trên biển ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021 cung cấp các báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định gửi EVN để phục vụ triển khai tính toán khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp;

Lựa chọn bộ thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió theo quy định tại Thông tư số 15 trình Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, thẩm định và báo cáo Bộ Công Thương xem xét và ban hành khung giá.

EVN kiến nghị giao các tập đoàn nhà nước ‘đầu tư thí điểm’ điện gió ngoài khơi

Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực mới đây, Tập đoàn Điện lưc̣ Việt Nam (EVN) đã kiến nghị cơ chế giao các tập đoàn nhà nước đầu tư thí điểm các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi (vì đây là các khu vực liên quan an ninh quốc gia, công nghệ mới, thi công phức tạp). Trên cơ sở kinh nghiệm đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế để lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá.

Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, EVN cũng góp ý thêm cho Quy hoạch điện VIII. Theo đó, EVN kiến nghị điều chỉnh quy mô công suất dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là 1.403 MW (2×701,5 MW) thay thế công suất 1.200 MW. Điều chỉnh quy mô chính xác của các nhà máy điện (than, LNG) sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án, giới hạn trong phạm vi ±20% so với công suất phê duyệt quy hoạch thay vì ±10%.

Cùng với đó, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện trong bối cảnh tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, EVN kiến nghị điều chỉnh tăng quy mô công suất pin lưu trữ (BESS) đến năm 2025 lên 1.000 MW và đến năm 2030 lên 3.000 MW (hiện tại trong dự thảo Quy hoạch là 0 MW năm 2025 và 50 MW năm 2030).

Để đảm bảo cấp điện các năm tới, trước mắt, kiến nghi ̣Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương cho phép đầu tư thí điểm BESS (công suất khoảng 100 MW) tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh, hạn chế thiếu điện miền Bắc trong thời gian sắp tới.

Còn về các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, theo quan điểm của EVN, trước mắt, cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã ký Hợp đồng mua bán điện được tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt (việc chào giá, công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện). Bởi theo EVN, trong Hợp đồng mua bán điện cũng đã có điều khoản các chủ đầu tư được quyền tham gia thị trường điện.

Nhưng về dài hạn, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu theo 2 bước:

Bước 1: Lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật Đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định. Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác.

Bước 2: Các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện, hoặc tham gia đấu thầu để ký PPA và phát triển dự án; đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.

Đặc biệt, EVN đã kiến nghị cần có cơ chế giao các tập đoàn nhà nước đầu tư thí điểm các nhà máy điện gió ngoài khơi (vì đây là các khu vực liên quan an ninh quốc gia, công nghệ mới, thi công phức tạp). Trên cơ sở kinh nghiệm đó Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế để lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá.

Mặt khác, Bộ Công Thương cần sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bổ sung quy hoạch các nguồn điện này tại khu vực miền Bắc để đảm bảo cung ứng điện trong các năm tiếp theo. Kèm theo đó là cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới)./.