Bộ Công Thương đề nghị cho phép triển khai 726 MW điện mặt trời đến năm 2030.

Bộ Công Thương vừa trình cấp có thẩm quyền dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch điện VIII).

Ở lần trình thứ 9 dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với 11 dự án, phần dự án điện mặt trời, với tổng công suất hơn 726 MW (giảm 70% so với đề nghị đưa ra hồi tháng 10).

Cơ quan này giải thích việc đề xuất các dự án điện mặt trời được phép triển khai, vận hành thương mại trước năm 2030 được đưa ra sau khi rà soát kỹ, làm việc với địa phương, chủ đầu tư và Thanh tra Chính phủ.

Trong đó, 6 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 452,6 MW là đã hoàn thành, đang chờ giá bán điện mới, gồm Phù Mỹ 1 (64,75 MW), Phù Mỹ 3 (23,75 MW); Thiên Tân 1.2 (80 MW); Thiên Tân 1.3 (40 MW) và Thiên Tân 1.4 (80 MW) và hơn 172 MW của dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Ngoài ra, 5 dự án, phần dự án với tổng công suất 273,4 MW đã có nhà đầu tư, đang thi công xây dựng; có quyết định thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thu đất, mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện… Các dự án này gồm Ngọc Lặc (45 MW), Krông Pa2 (39,2 MW), Phước Thái 2 (100 MW), Phước Thái 3 (50 MW), Đức Huệ 2 (39,2 MW).

Tuy nhiên, điều kiện để số dự án trên tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành thương mại là các dự án phải tuân thủ quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, giá điện. Khi kiểm tra nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Các dự án này cũng chỉ được phép triển khai, đưa vào vận hành phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương cho biết sẽ giao EVN tính toán, kiểm tra với từng dự án.

Còn lại 12 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 1.634 MW đã có chủ trương và chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có các quyết định về thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thuê đất… nên Bộ này đề nghị không phát triển tiếp. Số dự án này sẽ được nhà chức trách xem xét thực hiện sau năm 2030, với điều kiện đảm bảo hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền và nhu cầu phát triển kinh tế.

Cùng đó, Bộ Công Thương đề nghị loại khỏi quy hoạch 3 dự án, phần dự án tổng công suất 60 MW, do chủ đầu tư thông báo không tiếp tục thực hiện. Số dự án này gồm Mai Sơn, phần còn lại dự án khu công nghiệp Châu Đức và phần còn lại dự án Thiên Tân 1.3.

Theo số liệu của cơ quan quản lý năng lượng, đã có 175 dự án điện mặt trời, tổng công suất 15.400 MW được quy hoạch, bổ sung trong 5 năm qua. 96% số dự án tập trung tại miền Trung và miền Nam.

Đến cuối năm 2020, đã có 8.736 MW điện mặt trời quy mô trên 1 MW vào vận hành thương mại, vượt xa kế hoạch 850 MW đưa ra tại quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Giải mã sức hút từ ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam

Từ khi Chính phủ ban hành cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống hay còn gọi là biểu giá FIT (Feed in Tariff), Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ về đầu tư năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2019 – 2021.

Điện mặt trời, điện gió thu hút đầu tư tư nhân

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW. Trong đó, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất toàn hệ thống, chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. 

Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng năng lượng tái tạo đạt 29,87 tỷ kWh, chiếm 13,2% sản lượng điện toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 22,65 tỷ kWh, điện gió đạt 6,91 tỷ kWh). 

Đây là mức rất cao so với các nước trong khu vực cũng như thế giới (trung bình là 10%), cao hơn Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… 

Đó là nhờ cú hích từ giá điện mặt trời, điện gió được ưu đãi từ 2017-2021. Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (tương đương hơn 2.200 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay). Theo đó, các dự án vận hành thương mại trước 1/7/2019 mới được hưởng mức giá này, thời gian 20 năm kể từ ngày được công nhận vận hành thương mại. 

Đây được xem là mức giá khá hấp dẫn, góp phần thu hút hàng tỷ USD của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. 

Tính đến 1/1/2021 – thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời – tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW, Việt Nam trở thành 1 trong 3 thị trường phát triển điện mặt trời nhanh nhất thế giới. Trong đó, nguồn điện mặt trời mặt đất đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW và gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành. 

Các nhà đầu tư điện mặt trời trong giai đoạn này đã tính toán được mức lợi nhuận tương đối tốt khi đầu tư.

Theo tiết lộ của một nhà đầu tư, suất đầu tư điện mặt trời thời điểm 2018 vào khoảng 18-20 tỷ/MW. Như vậy, một dự án 50MW sẽ có mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Trung bình các dự án từ Khánh Hòa trở vào, nếu giá điện là hơn 2.000 đồng/kWh, doanh thu từ bán điện một tháng đạt khoảng 12,5 tỷ đồng. Trong một năm, số tiền thu về khoảng 150 tỷ đồng. 

Tính theo suất đầu tư kể trên, một dự án sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 7 năm trong điều kiện được phát hết công suất. 13 năm còn lại được coi là phần lợi nhuận thu được. Thông thường, các nhà đầu tư vay phần lớn vốn ngân hàng, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm phần nhỏ nên đây có thể coi là mức sinh lời hấp dẫn.

Thế nhưng, đó chỉ là con số lý tưởng. Việc phải chịu cắt giảm công suất đã khiến số lợi thu về giảm đi đáng kể so với tính toán kể trên.

Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.680 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 22/5/2020. Mức giá này vẫn thu hút được lượng lớn nhà đầu tư do chi phí đầu tư điện mặt trời khi đó đã giảm so với giai đoạn trước vì Trung Quốc bán sang với giá rẻ.

Đó cũng là lý do khiến nhiều dự án điện mặt trời ngay sau khi hoàn thành đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại mặc dù còn có sự lo ngại về hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN. Bởi căn cứ theo phương án tài chính thì việc mua lại các dự án này đảm bảo cho các nhà đầu tư có được khoản lợi nhuận ổn định trong thời gian gần 20 năm còn lại. Rủi ro đầu tư gần như là rất thấp.

Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay. 

Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió đã đạt 4.126 MW. 

Chưa có giá mới, nhà đầu tư vẫn mong được đầu tư vào năng lượng tái tạo

Nhìn vào những số liệu trên, có thể thấy, từ 2017 đến nay, điện mặt trời và điện gió đã trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Sản lượng điện tái tạo chiếm 13,2%, đã đóng góp đáng kể cho hệ thống điện, nhất là khi đây lại là nguồn lực thu hút được từ khu vực tư nhân, giúp EVN bớt đi gánh nặng tài chính cho đầu tư nguồn điện. Đặc biệt, năm 2022, giá điện than tăng cao hơn giá của điện gió, mặt trời.

Sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hạn vào 2020 và 2021, đến nay, cơ chế mới cho lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, quy hoạch điện VIII cũng chưa được phê duyệt. Nhưng các nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ và liên tục tìm các địa điểm mới để chuẩn bị đầu tư khi có chính sách mới.

Trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, nguồn điện từ năng lượng tái tạo – vốn được coi là điện sạch – tiếp tục được ưu tiên.

Bộ Công Thương khẳng định những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện.

Tại dự thảo quy hoạch điện VIII ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mái nhà… với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. 

Tại tờ trình ngày 23/9/2022 dự kiến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ lên đến 16.281MW, điện gió ngoài khơi là 7.000MW. Đến tờ trình ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương dự kiến điện gió trên bờ tăng thêm 4.659MW.

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, tỷ lệ công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo cũng tăng từ 21,6% năm 2030 lên đến 54,4% năm 2050. Tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn này tăng từ 14,5% năm 2030 lên 49% năm 2050.

Điều đó cho thấy, dư địa để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn rất lớn. Việc chấm dứt áp dụng giá FIT, chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ giúp cho các nguồn điện gió, mặt trời có giá cạnh tranh hơn.