Đột phá mới trong công nghệ chế tạo panel năng lượng mặt trời

Công nghệ năng lượng Mặt Trời đang có một bước đột phá sau khi các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore vừa phát hiện ra một cách thức mới để sản xuất pin Mặt Trời hiệu quả hơn và có giá thành rẻ hơn.

Trước đây, perovskite vốn được biết đến là vật liệu để làm pin Mặt Trời hiệu quả bởi nó có thể biến đổi 15% năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời thành điện năng, gần với mức 20% của các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không giải thích được quá trình diễn ra như thế nào để từ đó cải thiện hiệu quả của vật liệu perovskite trong sản xuất pin Mặt Trời. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu NTU chính là các nhà khoa học đầu tiên trên thế giới đã tìm ra lời đáp cho vấn đề này.

Theo đó, điện tử được tạo ra trong quá trình hấp thụ ánh sáng Mặt Trời có thể di chuyển rất xa trong vật liệu pervovskite.

Phó Giáo sư Sum Tze Chien – thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học có thể cải tiến pin Mặt Trời, khiến chúng hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn và tạo ra điện năng nhiều hơn.

Tiến sỹ Nripan Matthews, một thành viên khác, cũng cho rằng từ đây các họ có thể tạo những tấm pin Mặt Trời mới, ngang bằng và thậm chí hiệu quả hơn các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon.

Theo nhóm nghiên cứu, với vật liệu perovskite hỗn hợp vô cơ-hữu cơ, thế hệ tấm pin Mặt Trời tiếp theo sẽ có giá thành sản xuất rẻ hơn 5 lần so với các tấm pin làm từ silicon hiện nay./.

Dubai khánh thành công viên năng lượng mặt trời

Ngày 22/10, Dubai đã khánh thành giai đoạn đầu của dự án công viên năng lượng Mặt Trời lớn nhất ở tiểu vương quốc vùng Vịnh này; tổng chí phí là 12 tỷ dirham (3,3 tỷ USD).

Dự án này nằm trong nỗ lực của Dubai nhằm đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt.

Công viên năng lượng Mặt Trời mang tên Mohammed Bin Rashid Al-Maktoum – theo tên của Tiểu vương Dubai, cũng là Phó Tổng thống và Thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Công viên nằm ở khu vực sa mạc Seih Al-Dahal với diện tích 48km2, cách Dubai 50km về phía Nam.

Dự kiến trong giai đoạn đầu, công viên sẽ bắt đầu sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời vào năm 2014, với 24 triệu kW điện mỗi năm.

Khi hoàn tất vào năm 2030, nhà máy sẽ sản xuất 1.000MW điện.

Theo giám đốc điều hành Cơ quan quản lý điện và nước của Dubai đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Năng lượng tối cao, Saeed Mohammed Al-Tayer, dự kiến đến năm 2020 điện năng từ các nguồn năng lượng tái sinh sẽ chiếm 1% tổng sản lượng điện của Dubai và tăng lên 5% vào năm 2030./.