Lắp điện mặt trời, quá nhiều lợi ích

Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng và nhiều người phát hoảng với hóa đơn tiền điện. Nếu biết đầu tư hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà hợp lý thì không chỉ giảm được tiền điện mà có lúc còn dư điện để bán lại cho ngành điện.

Thời điểm nắng nóng hiện nay, bức xạ mặt trời đạt mức cao, hệ thống điện mặt trời sản sinh lượng điện cao nhất.

Giảm đáng kể tiền điện

Không riêng gì TP.HCM, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điện mặt trời cũng đang trên đà phát triển mạnh.

Anh Lưu Minh Tiến (Tp. Cần Thơ) – một trong những người đi đầu trong lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại địa phương – cho biết trước đây mỗi tháng gia đình của anh phải trả tiền điện khoảng 3 triệu đồng.

Từ tháng 1-2019, anh Tiến chi ra hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 5kWp và từ đó mỗi tháng anh chỉ tốn khoảng 2 trăm ngàn đồng tiền điện, tiết kiệm được hơn 80% hóa đơn tiền điện mỗi tháng.

“Sắp tới, tôi sẽ đầu tư lắp thêm khoảng 5kWp cho gia đình ông bà nội. Tính ra tôi sẽ lấy lại vốn sau 5 năm đầu tư” – anh Tiến cho biết.

Tương tự, anh Lê Ngọc Quý (ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết tháng 2-2019 anh chi 62 triệu đồng đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất 3 kWp. Từ đó đến nay, nhiều thời điểm điện mặt trời dư dùng trong sinh hoạt gia đình anh Quý và phát lên lưới điện quốc gia.

Anh Quý nhẩm tính: “Trong 5-6 năm là lấy lại vốn, trong khi thiết bị được bảo hành đến 10 năm”.

Cũng tại Cần Thơ, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (Q.Ô Môn) đã mạnh dạn đầu tư điện mặt trời phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Phước Lộc, phó giám đốc công ty, cho biết đã ký kết với Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) và một đơn vị khác để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Công ty chỉ đối ứng 10% chi phí lắp đặt, số còn lại được khấu trừ vào số kilôwatt điện tiết kiệm được từ máy nước nóng năng lượng mặt trời trong vòng 5 năm.

“Ngoài việc không phải trả tiền điện khoảng 20 triệu đồng/tháng cho hệ thống làm nóng nước, công ty được kiểm toán năng lượng đánh giá cao. Số tiền tiết kiệm được chúng tôi có thể lập quỹ phúc lợi hỗ trợ cán bộ, công nhân viên của công ty” – ông Lộc cho hay.

Theo ông Huỳnh Minh Hải – giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, đến nay có 33 khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 337kWp. Không chỉ đảm bảo điện sử dụng, những khách hàng này còn thừa điện phát lên lưới điện quốc gia bình quân 4.454 kWh/tháng.

Tại Cần Thơ đã có 81 khách hàng lắp đặt điện mặt trời. Ông Trần Vĩ Đức, phó giám đốc Công ty Điện lực Cần Thơ, cho biết thủ tục để đăng ký kết nối điện mặt trời lên lưới điện quốc gia khá đơn giản.

Cụ thể, khách hàng chỉ cần gửi thông tin đề nghị bán điện năng lượng mặt trời đến điện lực địa phương. Các đơn vị điện lực sẽ tư vấn kỹ thuật và khảo sát, kiểm tra kỹ thuật cũng như lắp đặt côngtơ 2 chiều miễn phí cho khách hàng.

Toàn bộ lượng điện từ hệ thống mặt trời lên lưới điện quốc gia sẽ được ghi nhận và thanh toán theo quy định hiện hành.

1.200 khách hàng phía Nam đã đầu tư điện mặt trời

Theo ông Lâm Hoàng Phước – trưởng ban quan hệ cộng đồng EVN SPC, nhiều địa phương do EVN SPC cung cấp điện có lợi thế về bức xạ mặt trời.

Cụ thể, theo khảo sát của Bộ Công thương, khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận… có bức xạ mặt trời cao nhất nên hệ thống điện mặt trời được đầu tư ở những khu vực này phát huy tối đa công suất phát điện.

Cũng theo ông Phước, tại 21 tỉnh thành phía Nam hiện có 1.200 khách hàng đã đầu tư điện mặt trời với sản lượng điện phát lên lưới khoảng 3 triệu kWh.

Nhiều người thắc mắc mỗi hộ gia đình lắp hệ thống điện mặt trời công suất bao nhiêu thì đủ dùng cho gia đình và có dư để bán cho ngành điện?

Ông Phước cho rằng tùy theo diện tích mặt bằng cũng như công suất thiết bị sử dụng điện trong nhà mới tính được công suất cần phải đầu tư. Tuy nhiên, với cách tính bình quân khoảng 8m2 đầu tư được 1kWp thì cần diện tích hơn 40m2để đầu tư 5kWp.

Khi điện mặt trời đạt hiệu suất cao nhất (từ khoảng 9h – 16h), điện sản sinh ra khoảng 4KWh. Công suất này đủ cung cấp đồng thời cho khoảng 10 bóng đèn (200W), 1 máy lạnh (2.000W), 1 tủ lạnh (500W) và tivi, bếp từ, quạt gió (tổng 1.300W).

Trường hợp lúc này khách hàng còn dùng nhiều thiết bị điện hơn thì hệ thống điện sẽ tự động lấy điện từ nguồn điện lưới quốc gia bù vào.

Theo ông Trịnh Quang Dũng – chuyên gia năng lượng mặt trời, ban đêm khi không còn ánh sáng mặt trời, hệ thống điện trong nhà sẽ sử dụng điện lưới quốc gia. Nhưng nhờ sử dụng điện mặt trời, lượng điện sử dụng từ hệ thống lưới quốc gia sẽ giảm.

“Một hộ sử dụng điện quốc gia khoảng 600kWh/tháng, nhưng khi có điện mặt trời sẽ giảm sử dụng lượng điện quốc gia còn khoảng một nửa, giúp tránh lượng điện rơi vào những bậc thang lũy tiến giá cao.

Đặc biệt trong thời gian khách hàng không sử dụng điện, điện mặt trời được bán lên lưới điện quốc gia và thu tiền hằng tháng” – ông Dũng nêu ví dụ.

Điện mặt trời trên mái nhà, lợi ích cho mọi gia đình

Với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, người dân vừa có điện sử dụng vừa bán lại điện cho nhà nước với giá cao hơn giá bán điện của nhà nước

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vừa có văn bản gửi các đơn vị, công ty điện lực thành viên ở 21 tỉnh, thành phía Nam, hướng dẫn thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Dự kiến trong thời gian tới, dự án này sẽ được triển khai trên trên khắp các tỉnh, thành và khi đó người dân có thể bán điện lại cho ngành điện, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Bán lại điện trên lưới

Theo hướng dẫn, dự án ĐMTMN là dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư) có đấu nối và bán điện lên lưới điện của EVN SPC. Như vậy, bất kỳ gia đình nào cũng có thể trở thành chủ đầu tư, được quyền hợp tác kinh doanh bình đẳng với ngành điện.

Câu hỏi đặt ra là tổ chức, cá nhân được lợi gì khi làm chủ đầu tư dự án ĐMTMN?

EVN SPC cho biết các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Theo cách này, ngoài sử dụng theo nhu cầu, lượng điện sản xuất được sẽ tự động hòa vào vào lưới điện và dựa theo chỉ số trên công tơ điện, công ty điện lực thanh toán cho chủ đầu tư theo giá mua điện quy định cho từng thời điểm.

Cụ thể về giá mua điện của ĐMTMN, EVN SPC cho biết mức giá được tính là 9,35 UScents/kWh, nhân với tỉ giá VNĐ/USD theo từng thời điểm. Theo đó, trước ngày 1-1-2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.086 đồng/kWh; từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2018 là 2.096 đồng/kWh; từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2019 là 2.134 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn so với biểu giá điện bán lẻ hiện hành của ngành diện. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm và cũng được tính bằng 9,35 UScents/kWh nhân với tỉ giá VNĐ/USD như nói trên.

Để triển khai lắp đặt dự án ĐMTMN, EVN SPC đã ủy quyền cho các công ty điện lực ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện (MBĐ) với chủ đầu tư có dự án đấu nối vào lưới điện thuộc phạm vi quản lý. Các công ty điện lực có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện; thực hiện tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn lắp đặt tấm pin quang điện, bộ chuyển đổi điện một chiều thành xoay chiều (bộ inverter) thuộc dự án ĐMTMN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất, thiết bị có hiệu suất, tuổi thọ và thời gian bảo hành cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Thủ tục đăng ký như thế nào?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN SPC khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án ĐMTMNTrình tự vềthủ tục đăng ký, ký kết hợp đồng, mua bán điện do các công ty điện lực trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho chủ đầu tư.

Cụ thể, công ty điện lực phổ biến và hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục đăng ký lắp đặt ĐMTMN để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án nhằm bảo đảm bảo hiệu quả khi đầu tư dự án. Công ty điện lực tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN qua Trung tâm CSKH bằng các hình thức: điện thoại, email, Zalo, chat box… Khi đăng ký, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện của EVN SPC) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.

Việc ký kết hợp đồng mua, bán điện thực hiện theo quy định của Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công thương. Theo hợp đồng này, ngày vận hành thương mại (bán điện) được tính từ ngày hai bên ký biên bản chốt chỉ số công tơ thực hiện giao nhận điện năng của dự án. Công ty điện lực sẽ ghi chỉ số công tơ 1 lần/tháng, cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ chiều mua điện từ lưới của chủ đầu tư để làm cơ sở thanh toán lượng điện bán của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện ghi chỉ số công tơ nhiều kỳ/tháng thì ghi chỉ số công tơ chiều bán điện lên lưới cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ cuối cùng trong tháng. Về thanh toán tiền điện, công ty điện lực sẽ thanh toán (chuyển khoản) bằng VNĐ được xác định cho từng năm.

Theo lãnh đạo EVN SPC, thời gian qua, việc triển khai dự án ĐTMTMN gặp một số khó khăn là do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể. Do vậy, với hướng dẫn này của ESV SPC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty điện lực cũng như chủ đầu tư trong việc lắp đặt, ký kết hợp đồng, hợp tác mua bán điện.