Vai trò của thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong mục tiêu NetZero

Công cuộc khử cacbon là không hề đơn giản, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và khả năng làm việc theo những phương thức mới lạ với hầu hết các doanh nghiệp. Nếu được triển khai đúng cách, thị trường carbon sẽ có vai trò then chốt trong việc định giá carbon, tạo điều kiện tái phân bổ nguồn vốn để đầu tư cho các hoạt động khử cacbon, cũng như chia sẻ rủi ro về giá tín chỉ carbon.

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Đồng thời, chủ đề thị trường carbon toàn cầu cũng là một trong những tâm điểm trong chương trình nghị sự hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai cuối tháng 11 này. Trong công cuộc tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho mục tiêu này, tiềm năng của thị trường carbon trong việc trở thành một công cụ giảm phát thải hữu hiệu đòi hỏi các bên liên quan hiểu rõ những cơ hội cũng như thách thức mà giải pháp này có thể mang lại.

Định nghĩa và vai trò thị trường carbon

Thị trường carbon là nơi các tổ chức, doanh nghiệp có thể mua bán, trao đổi các tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch phát thải. Tại đây, một doanh nghiệp có lượng phát thải thấp có thể bán lại hạn ngạch phát thải thặng dư cho một doanh nghiệp khác có lượng phát thải cao hơn. Nếu mức giá carbon đủ cao, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào việc giảm phát thải. Tương tự, các doanh nghiệp có phát thải vượt mức cho phép sẽ nhận được ưu đãi tài chính để đầu tư vào việc giảm lượng phát thải carbon nội bộ, qua đó đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Với vai trò là một công cụ giảm phát thải, thị trường carbon có điểm mạnh là khả năng vận hành độc lập, quản lý phân bổ nguồn cung dựa vào mức giá do thị trường ấn định. Trong khi đó, một công cụ giảm phát thải khác là các loại thuế và ưu đãi về carbon lại đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục từ Chính phủ, khiến công cụ này dễ bị ảnh hưởng khi chính phủ có những thay đổi về các ưu tiên và chính sách.

Phân loại thị trường Carbon

Hiện nay có nhiều loại thị trường carbon khác nhau, bao gồm thị trường carbon chủ quyền (nghĩa là trao đổi các tín chỉ carbon được ban hành ở phạm vi quốc gia thay vì ở phạm vi dự án đơn lẻ), thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Mỗi loại thị trường có cấu trúc hoạt động và các mục tiêu khử cacbon khác nhau. Trong khi thị trường chủ quyền và thị trường bắt buộc mang tính yêu cầu tuân thủ, tức là đòi hỏi các bên chịu sự quản lý hoặc đã đưa ra cam kết phải đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải; thì thị trường tự nguyện không mang tính bắt buộc và hoạt động dựa trên các cam kết tự nguyện về phát thải ròng bằng “0”. Cụ thể:

  • Thị trường carbon chủ quyền tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thông qua các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính của nội bộ doanh nghiệp. Việc mua bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế là một giải pháp góp phần hiện thực hóa các sáng kiến trên. Điều 6 của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đã đưa ra một khung triển khai cho việc mua bán tín chỉ này để đảm bảo tính tin cậy
  • Thị trường carbon bắt buộc tập trung vào việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải của quốc gia bằng cách yêu cầu những tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải quản lý và chi trả cho lượng phát thải carbon của mình. Một số ví dụ bao gồm thị trường quốc gia Trung Quốc, RGGI (Regional Greenhouse Gas Initiative – thị trường carbon bắt buộc tại Mỹ) và EU ETS
  • Thị trường carbon tự nguyện giúp các doanh nghiệp đạt cam kết phát thải ròng bằng “0” thông qua việc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng phát thải carbon của họ

Carbon được định giá như thế nào  

Giá carbon được xác định thông qua các hệ thống giao dịch phát thải (Emission Trading Schemes – ETS), và cơ chế thuế cũng như các cơ chế khuyến khích như các khoản tài trợ hoặc cho vay lãi suất thấp.Trên toàn cầu hiện có hơn 34 hệ thống giao dịch phát thải, 36 loại thuế carbon cùng rất nhiều chính sách ưu đãi carbon.

Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) hiện đã khắc phục được các khó khăn ban đầu và đi vào vận hành với quy mô đủ lớn để giúp khử carbon ở mức độ đạt được các mục tiêu về khí hậu. Các quốc gia khác cũng đang nhanh chóng thiết lập các ETS của riêng mình, gần đây nhất là ETS của Australia dự kiến triển khai vào năm 2023. Một số quốc gia khác lại áp dụng cơ chế khác như Hoa Kỳ áp dụng cơ chế khuyến khích qua Đạo luật Giảm lạm phát của Biden sẽ tạo ra 386 tỷ USD để cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon của Hoa Kỳ tại năm 2005 trước năm 2030.

Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero - Ảnh 2.

Tương tự như nhiều mặt hàng khác, việc so sánh giữa các loại tín chỉ (hoặc hạn ngạch phát thải) carbon khác nhau là điều không đơn giản. Hiện đang có nhiều tiến triển trong nỗ lực chuẩn hóa các phương pháp đảm bảo và loại bỏ hoặc định giá độc lập các thành phần liên quan đến tín chỉ carbon (bao gồm các phương pháp đảm bảo khác nhau như các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) của Liên Hợp Quốc được đề cập trong Tiêu chuẩn Vàng – tiêu chuẩn carbon tự nguyện). Mốc giá đơn lẻ và mốc giá theo giỏ hàng đều cho thấy đang phản ánh đúng quan điểm của thị trường về giá trị thành phần carbon của mỗi tín chỉ.

Mức giá của các loại tín chỉ carbon rất đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại tín chỉ, chứng nhận tiêu chuẩn, có Đồng lợi ích/ đáp ứng các Mục tiêu PTBV hay không, thời điểm phát hành và vị trí địa lý. Thường sẽ có chiết khấu cho các tín chỉ đã cũ và các dự án được cho là có chất lượng thấp hơn.

Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero - Ảnh 3.
Nguồn: S&P Global Commodity Insights

Một mốc giá tín chỉ carbon mới xuất hiện là các giao dịch trên thị trường loại bỏ carbon với số lượng không lớn nhưng đang ngày càng gia tăng. Các giao dịch này được định giá ở mức cao hơn đáng kể so với mức giá carbon nội bộ do các doanh nghiệp đặt ra, cũng như mức giá 90–130 USD/tấn CO2e cho lượng phát thải cần cắt giảm theo lộ trình 1,5°C trong Thỏa thuận Paris.

Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero - Ảnh 4.
Nguồn: Trading Economics, Ngân hàng Thế giới, Reuters, AFR

Tiềm năng và sự tăng trưởng của thị trường carbon

Trong các loại thị trường carbon chính, thị trường carbon tự nguyện đang có tốc độ phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Tổng lượng carbon được giao dịch vào năm 2021 trị giá 851 tỷ USD – tương ứng với 15.811 mét tấn CO2, trong đó khoảng 2 tỷ USD là tín chỉ carbon tự nguyện. Ngoài ra, các thị trường carbon tự nguyện đã có lượng giao dịch đạt hơn 239 triệu tấn CO2e (CO2 tương đương) trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng khoảng 228% so với số liệu của cả năm 2019.

Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero - Ảnh 5.
Lượng giao dịch theo năm của thị trường carbon tự nguyện, tính từ trước năm 2005 đến ngày 31 tháng 8 năm 2021 (Nguồn: PwC Úc)

So sánh với thị trường dầu mỏ toàn cầu có lượng giao dịch ở mức xấp xỉ 10 tỷ USD mỗi ngày vào năm 2022, những số liệu này không chỉ cho thấy thị trường carbon còn nhiều dư địa để phát triển mà còn cho thấy sự tăng trưởng đó là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ chiếm một phần tỷ trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và lượng phát thải sản sinh bởi nhiên liệu hóa thạch sẽ cần được giải quyết.

Các nguyên tắc chính để thị trường tín chỉ carbon hoạt động hiệu quả

Mục tiêu trọng tâm của tín chỉ carbon là giải quyết hiệu quả lượng phát thải của một doanh nghiệp thông qua việc giảm thiểu, bù trừ hoặc loại bỏ carbon. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng rằng công cụ này sẽ thực sự giải quyết được vấn đề phát thải?” Việc đo lường chất lượng cũng như niềm tin đối với một tín chỉ carbon có thể mang tính chủ quan ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, về cơ bản việc này phải tuân thủ các nguyên tắc sau: tính bổ sung, tính độc nhất, ước lượng quá cao và tính lâu dài.

Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero - Ảnh 6.
(Nguồn: Voluntary Carbon Markets: An Overview, FMSB)

Những thách thức của thị trường carbon

Tuy có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải toàn cầu, thị trường carbon hiện đang bị phân mảnh và vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu không có sự can thiệp kịp thời. Ở thời điểm hiện tại, gần như rất khó để trao đổi tín chỉ carbon giữa các thị trường với nhau, gây tăng chi phí và giảm tính thanh khoản cần thiết.

Lý do cho việc này là sự phát triển nhanh chóng của hoạt động trao đổi tín chỉ carbon, tạo ra sự thiếu nhất quán giữa các thị trường riêng lẻ. Các thị trường trên có những yêu cầu đối nghịch nhau, dẫn đến những sự thiếu nhất quán trong định nghĩa về tín chỉ carbon, các phương pháp định lượng và định giá lượng phát thải cũng như cách sử dụng cơ chế bù trừ carbon. Việc thiếu chuẩn hóa này có ảnh hưởng lớn đến giao dịch xuyên thị trường (hay còn gọi là tính có thể thay thế lẫn nhau). Các bên tham gia giao dịch vì vậy buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu sự phức tạp của từng thị trường, làm gia tăng chi phí và giảm hiệu quả giao dịch. Việc các loại tín chỉ carbon không thể thay thế lẫn nhau cũng ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường, đặc biệt là ở các thị trường nhỏ và có ít bên tham gia giao dịch.

Tuy các bên đã và đang có nỗ lực giảm thiểu sự phân mảnh thị trường, hiện vẫn chưa có những sự hợp tác đủ mạnh mẽ. Trong số các phương án giải quyết các thách thức hiện tại, việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu và tăng cường hội nhập giữa các thị trường sẽ giúp cải thiện tính thanh khoản của thị trường và khuyến khích đẩy mạnh đầu tư vào việc giảm phát thải. Điều 6 của Thỏa thuận Paris là một trong những công cụ quan trọng hơn cả giúp hỗ trợ việc hợp nhất các thị trường carbon. Sự nhiệt tình tham gia ở cấp độ doanh nghiệp và quốc gia là một yếu tố quan trọng; tuy nhiên giải pháp tiềm năng nhất hiện nay là thành lập các thị trường carbon ở phạm vi khu vực, vốn là một xu hướng đang ngày càng phát triển. Các thị trường khu vực sẽ giúp các bên tránh phải đi đến một thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu và sẽ là bàn đạp để hướng tới một thị trường toàn cầu hợp nhất trong tương lai. Các bên tham gia những thị trường khu vực có thể dựa vào các cam kết giảm phát thải toàn cầu theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris để thống nhất NDC giữa các quốc gia trong khu vực. Nói tóm lại, việc thiết lập các thị trường khu vực có tiềm năng là con đường hiệu quả nhất dẫn đến một thị trường carbon toàn cầu.

Việc triển khai khử cacbon đang nằm trong tầm tay của chúng ta và trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cũng như hưởng lợi từ các thị trường carbon quốc gia và toàn cầu.

Điện gió ngoài khơi vẫn chờ hành lang pháp lý

Orsted, nhà đầu tư có mong muốn phát triển 6.900 MW điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng và Thái Bình cùng đối tác trong nước quyết định dừng dự án tại Việt Nam. Cơ hội mở ra cho nhà đầu tư khác, nhưng việc này cũng cho thấy rất nhiều thách thức phải vượt qua.

Nhà đầu tư e ngại

Liên danh Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T mới đây thông báo tới UBND tỉnh Thái Bình và TP. Hải Phòng quyết định dừng các hoạt động phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại hai địa phương này. Quyết định “dừng” được Orsted cho là khó khăn sau một quá trình xem xét, đánh giá cẩn trọng trên quan điểm toàn cầu của lãnh đạo cấp cao Orsted đối với thị trường Việt Nam.

Trước đó, từ năm 2017, Orsted đã bắt đầu quan sát, đánh giá sự phát triển thị trường điện gió ngoài khơi. Năm 2021, Orsted chính thức tham gia với kỳ vọng các chính sách cùng khung pháp lý hiệu quả cho việc phát triển lĩnh vực rất mới mẻ này ở Việt Nam sẽ được ban hành vào năm 2023, nhất là trong bối cảnh Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu có 7.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Trong liệt kê các lý do về mặt pháp lý để triển khai dự án tại Việt Nam, Orsted có nhắc tới việc Quy hoạch Điện VIII đã được duyệt, nhưng thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai để xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ.

Tới thời điểm hiện tại vẫn chưa biết, khi nào Kế hoạch Triển khai Quy hoạch Điện VIII sẽ được phê duyệt, sau khi Bộ Công thương đã trình lại lần thứ tư.

Bên cạnh đó, chưa có nghị định sửa đổi Nghị định 11/NĐ-CP liên quan đến khảo sát đánh giá tài nguyên khu vực biển…

Nhà phát triển dự án này cho rằng, việc các cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cũng như cơ chế bán điện sẽ là đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay đấu thầu cạnh tranh về giá hay mua bán với mức giá cố định chưa rõ ràng như hiện nay gây ra những e ngại nhất định, bởi khó dự báo nguồn doanh thu ổn định từ dự án.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) có rủi ro lớn từ tỷ lệ cắt giảm sản lượng hay điều khoản dừng, hủy hợp đồng như một số dự án về nguồn điện đang áp dụng cũng khiến nhà phát triển dự án lo ngại vì không đáp ứng được yêu cầu của bên cho vay.

Các vấn đề pháp lý cùng với một số thách thức như đứt gãy hay hạn chế của chuỗi cung ứng; lạm phát và chi phí vốn tăng cao; cạnh tranh tăng từ các đối thủ khác trong ngành này đã khiến Orsted quyết định dừng dự án tại Việt Nam.

Theo đó, Công ty không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát, đánh giá tài nguyên biển tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như không tiến hành bất cứ hoạt động phát triển dự án nào cho các dự án điện gió ngoài khơi cùng với Tập đoàn T&T, đồng thời không gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên sau khi đã hết hạn.

Những lo lắng chưa hề cũ

Còn nhớ, tháng 6/2022, trong một khảo sát liên quan phát triển dự án điện gió ngoài khơi, sau khi phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế, Ernst & Young Việt Nam (EY) đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió.

Trong đó, với giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án, bao gồm rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn.

Trong giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cũng chia sẻ phần lớn rủi ro dự án. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tới giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.

Để thúc đẩy phát triển thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cũng cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng thông qua cải thiện khả năng huy động vốn của PPA bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế.

Tiếp đó là xây dựng một khung khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch, cũng như phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi; tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện để hỗ trợ điện gió ngoài khơi.

Và tới nay, các chuyển động vẫn chưa có gì nhiều so với khi vấn đề được nêu ra.