Mở đường cho điện mặt trời tại Việt Nam

Hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam

Theo trang Vietnam Briefing, Việt Nam là một trong những thị trường điện lớn ở Đông Nam Á, nhờ vào nguồn tài nguyên giá rẻ như sức nước, than đá. Với nhu cầu năng lượng dự kiến tăng hơn 10%/năm trong khoảng thời gian 2016-2020 và cần công suất điện tăng gấp đôi, Việt Nam đang hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Tấp nập nhà đầu tư

Báo cáo Điện Việt Nam năm 2016 cho hay năng lượng tái tạo – bao gồm mặt trời, gió, sinh khối – chỉ mới chiếm 0,4% trong tổng lượng điện sản xuất được trên cả nước. Tỉ lệ này quá thấp nếu so với tiềm năng của Việt Nam, trong đó năng lượng mặt trời chỉ mới chập chững và năng lượng địa nhiệt, thủy triều gần như mới khai sinh.

Nằm ở khu vực có mức độ bức xạ mặt trời thuộc hàng cao nhất thế giới, cơ hội ngày càng rõ ràng khiến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang hối hả bắt tay với nhau để khai phá. Trong số các nhà đầu tư trong nước, tích cực nhất phải kể đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng hướng đi kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời và nông nghiệp trên cùng diện tích đất. EVN đã lập dự án điện mặt trời trị giá 8.000 tỉ đồng (khoảng 351,9 triệu USD) ở tỉnh Ninh Thuận, với công suất 200 MW.

Nikkei liệt kê một dự án “khủng” đang được triển khai của Tập đoàn Thành Thành Công, với đầu tư lên tới 1 tỉ USD để xây dựng khoảng 20 nhà máy năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên – Huế và Gia Lai. Tại cuộc họp báo đặc biệt hồi tháng 6 với sự có mặt của nhiều công ty năng lượng lớn trên thế giới như Trina Solar, JA Solar…, TTC tuyên bố mục tiêu của họ là sản xuất 1.000 MW điện mặt trời từ năm 2020 và chi phí sản xuất tối đa là 20 tỉ đồng/MW (khoảng 880.000 USD).

Gỡ khó từ nhà nước

Ngoài Tập đoàn Thành Thành Công, có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Thái Lan, Na Uy… bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam. Có thể kể ra Tập đoàn Thiên Tân (có 2 nhà máy điện mặt trời ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận), công ty Hàn Quốc DooSung Vina (dự án 66 triệu USD ở Bình Thuận), công ty Singapore Sinenergy Holdings Ltd (dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận, tổng đầu tư 7.920 tỉ đồng, khoảng 348,4 triệu USD), công ty Trung Quốc JinkoSolar (dự án 1.168 tỉ đồng ở Hậu Giang), công ty Nhật Bản Fujiwara (dự án 65 triệu USD ở Bình Định), công ty Nhật Bản Koyo và Tập đoàn Sao Mai (dự án 260 triệu USD ở Đồng Tháp)…

Theo các nhà phân tích, những lý do quan trọng nhất khiến năng lượng mặt trời trở nên đặc biệt hấp dẫn là nhờ giá pin mặt trời giảm khoảng 30%, Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phục vụ dự án điện mặt trời cũng như quy định EVN phải mua tất cả điện từ những dự án năng lượng với giá 9,35 cent/KWh.

Ngoài năng lượng mặt trời, Việt Nam còn một “kho” năng lượng gió chưa được khai thác. Với hơn 3.000 km đường bờ biển và lợi thế gió mùa, Ngân hàng Thế giới đánh giá 8,6% lãnh thổ Việt Nam phù hợp để phát triển năng lượng gió. Theo trang Lexology, khai thác điện gió còn vấp phải nhiều khó khăn ở Việt Nam, như tuốc-bin phải nhập và khó lắp đặt, thiếu nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kỹ thuật, quy trình đầu tư phức tạp…

Các nhà đầu tư trong nước kiến nghị tăng mức giá mua (FiT) lên mức 0,095 USD/KWh để giúp bù đắp những rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực quá mới này. Dự án trang trại gió lớn nhất Việt Nam hiện nay là ở tỉnh Sóc Trăng của Công ty GE Renewable Energy (thuộc tập đoàn Mỹ General Electric), Tập đoàn Mainstream Renewable Power (Ireland) và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam. Được ký kết vào tháng 6-2017, dự án này trị giá 2 tỉ USD và dự kiến sản xuất 800 MW điện gió.

Điện mặt trời liệu có lên “ngôi” ở Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Cho rằng điện than thiếu bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo, tiêu biểu là nguồn năng lượng từ mặt trời cần được ưu tiên phát triển.

Phụ thuộc điện than là thách thức với an ninh năng lượng?

Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện than vẫn là nguồn năng lượng chính cho phát triển kinh tế-xã hội khi chiếm tới gần 43% tổng công suất nguồn, đến năm 2020. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống này (năng lượng than) không thể đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc phụ thuộc vào điện than sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức về năng lượng. Thách thức này đến từ việc gia tăng nhu cầu năng lượng nhưng nhu cầu năng lượng nhiều khi chưa tính đủ về khả năng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nên chưa thật xác đáng.

Không chỉ vậy, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam ít quan tâm đến hiệu quả năng lượng.

Theo bà Lan, Việt Nam nôn nóng muốn có tăng trưởng cao nên không chú ý đến các ngành tiêu tốn năng lượng như sắt thép, xi măng trong khi hiện nay thừa rất nhiều. Hơn nữa, trong khi công nghệ đã rất phát triển thì đâu đó vẫn còn suy nghĩ làm điện mặt trời, điện gió đắt hơn điện than để cố giữ làm điện than.

Theo đó, cần cân đối nguồn năng lượng không chỉ tập trung vào năng lượng than như hiện nay. Việc chuyển hướng sang tăng trưởng xanh là cần thiết cho Việt Nam, là con đường tắt để Việt Nam có thể đi lên chứ không nhất thiết phải đi theo lộ trình dài của các nước, gây ô nhiễm rồi mới nghĩ cách giảm thiểu tác động môi trường.

Điện mặt trời có phải lợi thế?

Theo số liệu của Hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm.

Tuy tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ.

Đơn cử, dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy Quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là dự án được triển khai từ năm 2014 và hoàn thành việc xây dựng lắp đặt, đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014 nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh. Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi là dự án có quy mô tương đối lớn, song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Việc phát triển điện mặt trời cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ thể hiện tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) khi quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh theo tỷ giá ngày 10/4/2017), được giới chuyên gia đánh giá cao. Với mức giá này, các nhà đầu tư trong nước, khu vực có mối quan tâm lớn đến việc đầu tư kinh doanh năng lượng tái tạo đổ dồn về Việt Nam.

Dẫn chứng rõ hơn, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là những ưu đãi cho điện mặt trời chỉ được áp dụng trong 3 năm (từ 1/6/2017 đến 30/6/2019) đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng “vậy sau 3 năm tới giá điện mặt trời sẽ như thế nào?” và bày tỏ mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi, ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Không chỉ có vậy, ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến điện mặt trời là hạ tầng chuyển tải lưới điện, có những khu vực dự án đăng ký nhiều nhưng máy biến áp của khu vực đó không đủ công suất để tiếp nhận tất cả dự án điện…

Bên cạnh đó, khi phát triển điện mặt trời, vấn đề bảo đảm an toàn lưới điện và nối lưới là điều mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo lắng. Bởi càng nhiều năng lượng tái tạo thì càng làm hệ thống điện hiện tại mất ổn định. Bởi vậy, phải có giải pháp kỹ thuật như tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống điện thông minh góp phần giảm những tác động tiêu cực của năng lượng tái tạo đến hệ thống điện.

Trong Quy hoạch điện VII, mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW và đến năm 2030, con số này tăng lên gấp 15 lần. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Riêng đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, đến năm 2030, phải đạt 12.000 MW.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành điện.

Phan Trang