Điện mặt trời đã được chào đón như máy nước nóng NLMT

Tính đến đầu tháng 4/2020 đã có 24.300 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào hoạt động trên cả nước. Với tiềm năng phát triển lớn và sự khuyến khích của Nhà nước, số dự án điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Sản xuất điện mặt trời áp mái nối lưới hộ gia đình và doanh nghiệp là một hướng sản xuất hiệu quả nhờ vốn đầu tư thấp và hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa. 

So với điện mặt trời độc lập, điện mặt trời áp mái nối lưới có nhiều ưu điểm hơn, như không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình áp thiết bị; điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nên chi phí đầu tư thấp; có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống. Cũng giống như máy nước nóng năng lượng mặt trời cách đây hơn 10 năm, hiện nay điện mặt trời nối lưới đã từng bước đi vào cuộc sống.

Mô hình điện mặt trời áp mái hòa lưới đang được khuyến khích phát triển giúp làm giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, góp phần hạn chế sự cố xảy ra ở trung tâm nguồn điện lớn. Hiện nay số hộ gia đình sử dụng điện mặt trời áp mái trên cả nước đang không ngừng tăng.

Tính đến đầu tháng 4/2020 đã có 24.300 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào hoạt động trên cả nước. Với tiềm năng phát triển lớn và sự khuyến khích của Nhà nước, số dự án điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Thống kê đo được miền Nam nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6-8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, đạt từ 4-4,5 kWh/m2/ngày.

Đồng Tháp là một trong những địa phương đứng đầu về phát triển điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Nam. Số giờ nắng đo được đạt từ 2.200-2.500 giờ/năm, vì thế việc khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời rất thích hợp và đầy tiềm năng. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa cũng chọn điện mặt trời áp mái để tiết kiệm tiền điện và sinh lợi từ nguồn điện dư nối lên lưới.

Đồng Tháp hiện đã có 144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 1.885.387.962 kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài sản lượng điện cung cấp cho khách hàng trên địa bàn, sản lượng điện bán sang Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2019 qua điểm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đạt 8.991.300 kWh, tăng 107,71% so với năm 2018; qua cửa khẩu Thường Phước đạt 1.984.100 kWh, tăng 45,64% so với năm 2018.

Còn tại Cần Thơ, theo Công ty Điện lực TP Cần Thơ, thành phố có trên 724 công trình điện mặt trời áp mái được nối vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất 7.621 kWp. Ước tính, số tiền đầu tư cho một hệ thống điện mặt trời áp mái, có công suất lắp đặt từ 6-7m2/kWp (tương đương thu từ 4-5 kWh điện), trên dưới 20 triệu đồng, với thời gian bảo hành trên 25 năm. 

Dự kiến, trong năm 2020, Công ty Điện lực TP Cần Thơ sẽ thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng, đạt tổng công suất khoảng 12.000 kWp… 

Theo thống kê chung về số giờ nắng trên cả nước, khu vực phía Bắc có khoảng 1.800-2.100 giờ nắng mỗi năm. Trong đó, các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ được xem là những vùng có nắng nhiều. Ngoài ra một số vùng được dự báo số giờ nắng ít hơn nhưng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cũng đã bắt đầu khởi động phát triển.

Tại Quảng Trị hiện toàn tỉnh có 77 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới đã hoàn thành lắp đặt và đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất lắp đặt là 986,56 kWp. Công ty Điện lực Quảng Trị là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới, đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Các tổ chức, hộ gia đình đầu tư lắp đặt 58 hệ thống, với tổng công suất lắp đặt là 454,21 kWp.

Sau một thời gian, tỉnh Bắc Ninh cũng đã có 66 dự án điện mặt trời áp mái được bổ sung vào lưới điện của tỉnh với công suất 392,28/180 kWp (đạt 218% kế hoạch Tổng Công ty  Điện lực miền Bắc giao). Sản lượng phát lên lưới 10 tháng năm 2019 đạt 44.640 kWh. Một số dự án đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả như: Dự án điện mặt trời áp mái tại Nhà điều hành Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh công suất sử dụng đạt 50 kWp; dự án tại Chung cư Hudland công suất sử dụng 100 kWp; hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình ông Nguyễn Văn Chung (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) sản lượng 13.437 kWh; gia đình ông Chu Văn Đức (thị trấn Thứa, Lương Tài) sản lượng 3.564 kWh.

Trước nguy cơ về thiếu điện giai đoạn 2021-2023, Chính phủ đang xem xét để tiếp tục có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định đối với điện mặt trời trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết năm 2021, nhằm thúc đẩy các dự án đã có trong quy hoạch triển khai đầu tư và một phần các dự án đã đăng ký hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, đấu nối, chuẩn bị dự án và triển khai thi công.

Đây được xem là động lực lớn thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời phát triển trong đó khuyến khích điện mặt trời áp mặt tại các gia đình, giảm áp lực thiếu nguồn điện trong những tháng cao điểm của cả nước.

Phát triển điện mặt trời : Đấu thầu dự án liệu có tối ưu?

Với nhiều ưu điểm vượt trội, phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự án điện mặt trời sẽ khuyến khích mạnh mẽ đầu tư năng lượng, góp phần bảo đảm khả năng thành công cao của các dự án. Với nhận định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, thực hiện triển khai việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP điện mặt trời.

Phương án trên là một trong 3 phương án xác định giá điện cạnh tranh được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2020.

Về lý do kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án này, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc khuyến khích các dự án năng lượng đầu tư theo phương thức PPP đã được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đầu tháng 2/2020. Ngoài ra, phương án này có nhiều điểm thuận lợi.

Cụ thể, khung pháp lý hiện hành về PPP đã quy định rõ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc độc lập thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời theo phương thức PPP như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, cùng các văn bản hướng dẫn khác. “Việc phê duyệt dự án trước khi đấu thầu sẽ bảo đảm khả năng thành công cao mà không gặp phải các rủi ro về thủ tục đầu tư và đất đai trong quá trình thực hiện dự án đầu tư”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Bên cạnh đó, đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án PPP điện mặt trời bảo đảm phân chia rủi ro hợp lý giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đánh giá tổng thể được về năng lực nhà đầu tư như: kinh nghiệm, chuyên môn, tài chính. Qua đó, bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tại văn bản được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá điện cạnh tranh đối với các dự án điện mặt trời vào tháng 3/2020, cơ quan này đánh giá Phương án có 3 ưu điểm lớn. Một là quản lý quy hoạch, hệ thống điện đồng bộ, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Hai là quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, phân định rõ trách nhiệm của các bên, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn, yêu cầu vốn lớn. Ba là tác động tích cực đến giảm chi phí phát triển các dự án, giá mua điện.

Mặc dù vậy, phương án này có hạn chế là các dự án điện mặt trời nổi có quy mô khá lớn, nên cần thiết phải chuẩn bị phương án đầu tư hạ tầng truyền tải cho dự án. Mặt khác, hợp đồng mua bán điện của các dự án điện mặt trời cũng cần được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia để có thể huy động nguồn vốn lớn từ trong nước và nước ngoài.

Qua phân tích này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đối với 2 phương án đề xuất còn lại là đấu giá theo dự án và đấu giá theo trạm biến áp, Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án đấu giá được đề xuất dưới tên gọi là “đấu giá”, nhưng sử dụng trình tự, thủ tục đấu thầu dự án đầu tư (như một giai đoạn, hai túi hồ sơ, xét giá điện nhà đầu tư đề xuất tương tự như phương pháp giá dịch vụ), thời gian thực hiện hợp đồng đấu giá dài như một hợp đồng PPP.

Hơn nữa, cả hai phương án này tương tự như đấu thầu các dự án PPP do nhà đầu tư lập, nhưng các dự án này chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt khi đấu giá. Do vậy, việc triển khai sẽ gặp một số vấn đề. Đó là không bảo đảm trách nhiệm của cấp có thẩm quyền đối với việc thẩm định và phê duyệt dự án do nhà đầu tư đề xuất, trách nhiệm đối với việc ký kết, quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư. Sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư phải tự thực hiện các thủ tục đầu tư (quyết định chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, cơ chế ưu đãi…) và thủ tục đất đai (phê duyệt vị trí, địa điểm thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất…).  Trường hợp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành các thủ tục đầu tư và đất đai sẽ không thực hiện đúng tiến độ dự án và cung cấp điện như cam kết…