Ồ ạt xin bổ sung Quy hoạch, nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo “ôm trái đắng”

Từ khi có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, trong giai đoạn 2017-2021, dự án điện mặt trời và điện gió phát triển bùng nổ. Nguồn điện quốc gia được bổ sung hàng tỷ kWh mỗi năm. Nhưng việc bổ sung quy hoạch ồ ạt các dự án điện tái tạo vào Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng đã để lại nhiều hệ lụy.

Từ số 0 vươn lên top đầu Đông Nam Á

Đến hết 2020, tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500 MW. Trong đó nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành gần 9.000MW (chỉ riêng Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 3.500MW); gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành đến hết năm 2020. Trước đó, tính đến năm 2019, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn quốc chỉ là 272MW.

Tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời tập trung và phân tán trên mái nhà chỉ khoảng 850MW vào 2020, khoảng 4.000MW vào 2025 và lên 12.000MW vào 2030. Với 16.500MW điện mặt trời đi vào vận hành, công suất điện mặt trời đã vượt xa con số đặt ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tính riêng năm 2020 khi đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp, tính đến hết ngày 31/12/2020, điện mặt trời mái nhà đạt công suất gần 9.296MWp (theo số liệu của EVN), đưa Việt Nam lọt vào top 3 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới và là điểm mốc “chói lọi” trong lịch sử ngành điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều dự án đã bổ sung quy hoạch nhưng chưa đi vào vận hành. Cụ thể, quy mô công suất của các dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là trên 15.400MW, tổng đăng ký xây dựng nhưng chưa được bổ sung khoảng 97.000MW.

Tại danh mục các dự án điện mặt trời đã vận hành, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư của 6 tỉnh được nêu trong quyết định thanh tra, Đắc Lắk đứng đầu, nhưng nếu tính dự án đã đi vào vận hành thì Ninh Thuận xếp số 1. Ninh Thuận có 6.792MW dự án thuộc diện này. Trong đó có 32 dự án đã vận hành với tổng công suất 2.600 MW. Lớn nhất là điện mặt trời Trung Nam, Bim (hơn 400MW), Xuân Thiện – Thuận Bắc (250MW), CMX Renewable Energy VN (168MW). Còn lại là các dự án đã bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư

Bình Thuận có 6.495MW thuộc danh mục. Trong đó, có 25 dự án đã vận hành với tổng công suất hơn 1.345MW. Lớn nhất là dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A và 1B với công suất 325MW. Đắk Lắk có số dự án thuộc danh mục này lên tới 24.090MW, nhưng mới có 6 dự án đi vào vận hành với tổng công suất 910MW. Đáng chú ý, riêng dự án điện mặt trời EaSup đã có công suất lên tới 720MW.

Đắk Nông có 3.553MW điện mặt trời thuộc danh mục nhưng chỉ có 2 dự án điện mặt trời vận hành với công suất hơn 100MW. Bình Phước có 6.994 dự án thuộc danh mục nhưng mới có 2 dự án vận hành là điện mặt trời Lộc Ninh và Lộc Ninh giai đoạn 2. Trong đó điện mặt trời Lộc Ninh có công suất khổng lồ, lên tới 750MW.

Điện gió cũng vượt quy hoạch

Các dự án điện gió đã vận hành trên toàn quốc đến nay là khoảng hơn 4.000MW. Tuy nhiên, con số đã bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư lớn hơn nhiều. Tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện gió chỉ khoảng 800 MW vào 2020, khoảng 2.000MW vào 2025 và lên 6.000MW vào 2030.

Ngoài ra, tổng quy mô công suất nguồn điện gió đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến thời điểm tháng 12/2020 lên tới 12.000MW (so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh chỉ đưa ra công suất 850MW), dự kiến theo quy hoạch sẽ vào vận hành giai đoạn 2021-2025.

Tổng quy mô điện gió trên bờ và gần bờ đã đăng ký đầu tư nhưng chưa được bổ sung quy hoạch đến tháng 12/2020 lên tới gần 105.000MW. Như vậy, nếu so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, công suất điện gió hiện tại đã gần đạt mức đưa ra cho 2030.

Danh sách các dự án điện gió trên bờ và gần bờ đã vận hành, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư lên đến hàng trăm nghìn MW. Trong đó Bắc Bộ là 2.210MW, Bắc Trung Bộ là 4.520MW, Trung Trung Bộ là 4.880MW, Tây Nguyên là 36.735MW, Nam Trung Bộ là 12.486MW, Nam Bộ là 32.413MW.

Ninh Thuận có 3.046MW điện gió thuộc danh sách này. Trong đó dự án đã vận hành có tổng công suất là 622MW, gồm: Mũi Dinh 37,6MW; Phong Điện Trung Nam 151,95 MW; Đầm Nại Ninh Thuận 39,38 MW; nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận 46,2MW ; nhà máy điện gió 7A Ninh Thuận 50MW; nhà máy điện gió BIM 88MW; nhà máy điện gió Win Energy Chính Thắng 49,8MW; nhà máy điện gió Phước Minh 27,2MW; nhà máy điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 29,7MW; nhà máy điện gió Hanbaram 24MW; nhà máy điện gió Lợi Hải 2 28,8MW; nhà máy điện gió Đăk Hòa 49,5MW;

Bình Thuận có 1.119MW; trong đó, số dự án đi vào hoạt động có tổng công suất là 338MW, gồm: Phong điện 1 (giai đoạn 1) Bình Thuận 30MW; Phú Lạc 24MW ; nhà máy điện gió Đại Phong 40MW; nhà máy điện gió Hồng Phong 140MW; nhà máy điện gió Phú lạc – giai đoạn II 25,2MW; nhà máy điện gió Thái Hòa 90MW; nhà máy điện gió Hàm Cường 220MW; nhà máy điện gió Tân Phú Đông 50MW; Thuận Nhiên Phong 19MW.

Đắk Lắk có 17.548MW thuộc danh sách này; trong đó 2 dự án đã vận hành có công suất hơn 428MW. Đắk Nông có 967MW thuộc danh sách này; trong đó chưa ghi nhận dự án điện gió nào vận hành. Bình Phước không ghi nhận dự án điện gió nào vào vận hành.

Bạc Liêu không có dự án điện mặt trời nào vận hành nhưng đây cũng là địa phương có nhiều dự án điện gió được bổ sung quy hoạch, nghiên cứu đầu tư với tổng công suất 6.782MW; trong đó có nhiều dự án vào vận hành như: Bạc Liêu 99,2MW; Đông Hải 1 Bạc Liêu 50MW, Hòa Bình 1 giai đoạn II công suất 50MW, Đông Hải 1 giai đoạn II công suất 50MW, Kosy Bạc Liêu công suất 40MW; Hòa Bình 2 công suất 50MW, Hòa Bình 5 giai đoạn I công suất 80MW.

Những dữ liệu trên cho thấy điện mặt trời và điện gió đã phát triển mạnh hơn nhiều so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Điều này cũng khiến một số tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Thuận… xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện, bị giảm phát điện.

Từ khi giá FIT cho điện mặt trời hết hạn, đã có những tiếng kêu cứu của một số nhà đầu tư điện mặt trời chậm chân, không kịp ngày chốt vận hành thương mại (COD). Đến khi giá FIT cho điện gió hết hạn, nhiều nhà đầu tư lao vào cơn sốt cũng lại lâm cảnh tương tự vì không kịp COD. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các nhà đầu tư cũng phải xem lại mình. Giá FIT đều có thời hạn được nêu rõ trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá FIT1 cho điện mặt trời hết hạn vào 30/6/2019. FIT2 hết hạn vào tháng 30/12/2020. FIT cho điện gió hết hạn vào 31/10/2021. Do đó, các nhà đầu tư phải cân đối nguồn lực, kinh nghiệm, khả năng dự báo tình hình… để có quyết định đầu tư tiếp hay dừng. Nhưng nhiều nhà đầu tư dù đến gần hạn chót, vẫn cố đầu tư để rồi ngậm trái đắng.

Con đường đến “phát thải ròng bằng 0” sẽ ra sao khi nhà đầu tư điện tái tạo “hụt hẫng”?

Việc Bộ Công Thương đưa ra khung giá điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cho các dự án chuyển tiếp ở mức khá thấp đã khiến nhiều nhà đầu tư hụt hẫng. Điều này có thể tác động đến dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh. Trong khi về mặt chiến lược, Việt Nam hướng đến giảm điện than, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới thông qua Quy hoạch điện VIII đang trong quá trình dự thảo.

Việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo đóng vai trò khá quan trọng trong hành trình để Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Từ xu hướng ồ ạt rót vốn vào điện mặt trời, điện gió

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW (tăng xấp xỉ 1.400 MW so với năm 2021). Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 20.165MW (chiếm tỉ trọng 26,4%), trong đó chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. Đáng chú ý, sản lượng điện mặt trời và gió trong năm vừa qua chiếm đến 12,8% tổng hệ thống.

Kết quả này được cho là nhờ cú hích từ giá điện mặt trời, điện gió ưu đãi từ 2017-2021. Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh theo tỷ giá khi đó và tương đương hơn 2.200 đồng theo tỷ giá hiện nay (chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).

Nếu so sánh với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh ở thời điểm đó, thì có thể thấy lợi nhuận mà điện mặt trời hòa lưới điện mang đến cho doanh nghiệp. Đây được xem là mức giá khá hấp dẫn, góp phần thu hút hàng tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Ở thời điểm ấy, từ ven biển, đồng bằng cho đến miền núi, đâu đâu cũng thấy dự án điện mặt trời.

Tuy nhiên, ưu đãi trên cũng có điều kiện đó là, các dự án đầu tư phải vận hành thương mại trước 1-7-2019 mới được hưởng mức giá này, với thời gian 20 năm kể từ ngày được công nhận vận hành thương mại. Do có quy định này, mà hàng loạt doanh nghiệp đã ồ ạt chạy đua với thời gian để thi công nhằm kịp vận hành thương mại để nhận được ưu đãi.

Sau 30-6-2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.680 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 22-5-2020. Mức giá này vẫn thu hút được lượng lớn nhà đầu tư do chi phí đầu tư điện mặt trời khi đó đã giảm so với giai đoạn trước. Điều này cũng lý giải vì sao có hiện tượng khi dự án điện mặt trời ngay sau khi hoàn thành thì được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Bởi căn cứ theo phương án tài chính thì việc mua lại các dự án này đảm bảo cho các nhà đầu tư có được khoản lợi nhuận ổn định trong thời gian gần 20 năm còn lại.

Tính đến đầu năm 2021 – thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời – tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó, nguồn điện mặt trời mặt đất đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW và gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành.

Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10-9-2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương khoảng 2.000 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay. Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió đã đạt 4.126 MW.

Ninh Thuận là một trong những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư vào điện gió. Ảnh minh họa: Yên Minh

Đến sự hụt hẫng trước khung giá mua điện tái tạo chuyển tiếp

Gần 2 năm qua, giá mua bán điện cố định (FIT) được Chính phủ ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời vận hành áp dụng trước ngày 31-12-2020 và các dự án điện gió vận hành trước ngày 31-10-2021. Các dự án vận hành sau thời gian này không được hưởng giá FIT, mà phải mua bán điện bằng hợp đồng với EVN. Chính vì vậy rất nhiều nhà đầu tư vào điện gió, mặt trời không thể bán điện cho EVN do không đàm phán được hợp đồng và không có giá mua bán điện. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư “khóc ròng” do thua lỗ nặng và phải nhiều lần kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

Sau 2 năm chờ đợi, doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió đã được áp dụng khung giá điện mới. Cụ thể hồi đầu tháng 1-2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 21 về khung giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Khung giá phát điện này là cơ sở để EVN thoả thuận giá mua điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Có 16 dự án điện mặt trời và 62 dự án điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT ưu đãi hết hiệu lực, với điện mặt trời là 1-1-2021 và điện gió 1-11-2021.

Theo đó, giá trần của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.

Liên quan với khung giá mới này, Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích, khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Nhưng không phải dự án nào cũng ghi nhận mức sinh lời hiệu quả, thậm chí một số còn giảm tỷ suất sinh lời nội tại (IRR).

Còn một nhà đầu tư có dự án nằm trong diện này lo lắng cho rằng đoán trước là giá mới sẽ không thể cao như giá FIT ưu đãi, nhưng sự mòn mỏi chờ đợi giá sau hơn 15 tháng giờ thực tế mức chốt cuối cùng lại thấp xa với sự kỳ vọng. Chưa dừng lại đó, nhà đầu tư này còn cho biết vì lý do dừng mua bán điện di không kịp tiến độ nên hơn 15 tháng qua các dự án không có nguồn tiền và vẫn phải trả lãi vay ngân hàng nên chi phí đội lên rất nhiều.

Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, phần lớn các chủ đầu đầu tư điện mặt trời đều phải huy động vốn từ nguồn vay ngân hàng thương mại. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.

Theo tính toán chủ đầu tư dự án điện gió tại Bình Định và Ninh Thuận không kịp vận hành thương mại trước 1-11-2021, đạt tỷ suất sinh lời của dự án khoảng 12% nếu kịp hưởng giá FIT ưu đãi. Với khung giá tối đa giảm trên 20%, nhà đầu tư này cho rằng, tỷ suất sinh lời của các dự án giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8%.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, khung giá mới của Bộ Công Thương với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phần nào “gây hụt hẫng cho các nhà đầu tư”. Bởi khung giá này thấp hơn từ 21-29% so với cơ chế giá FIT ưu đãi trước đây. Mặt khác, đây là mức giá tối đa để EVN và các nhà phát triển năng lượng đàm phán giá mua điện. Tức là giá mua thực tế từ các dự án điện tái tạo chuyển tiếp có thể dưới hoặc bằng mức giá tối đa này.

Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8% và 7,9% từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ. Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.

Dòng “điện xanh sạch” sẽ tiếp tục gian nan trên hành trình phía trước?

Có thể thấy, từ 2017 đến nay, điện mặt trời và điện gió đã trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Sản lượng điện tái tạo này chiếm 12,8%, đã đóng góp đáng kể cho hệ thống điện, nhất là khi đây lại là nguồn lực thu hút được từ khu vực tư nhân, giúp EVN bớt đi gánh nặng tài chính cho đầu tư nguồn điện. Đáng chú ý, năm 2022, giá điện than tăng cao hơn giá của điện gió, mặt trời.

Một dự án điện gió ở Lâm Đồng. Ảnh: Yên Minh

Sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hạn vào 2020 và 2021 và mới đây là khung giá mua điện tái tạo chuyển tiếp, đến nay, cơ chế mới cho lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, quy hoạch điện VIII cũng chưa được phê duyệt.

Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là giảm điện than, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Điều này được cho là phù hợp với xu thế của thế giới và cam kết của nền kinh tế gần 100 triệu dân khi tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26 (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) tháng 11-2021.

Trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, điện tái tạo – vốn được coi là điện sạch – tiếp tục được ưu tiên. Chính phủ và Bộ Công Thương khẳng định những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện.

Với một tiềm năng được đánh giá là khá tốt cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi hơn 450 GW, điện gió trên bờ hơn 210 GW, điện mặt trời 200 – 300 GW), triển vọng trong tương lai cho phát triển nguồn điện này của Việt Nam là rất lớn.

Theo dự kiến kịch bản sơ bộ cho phát triển năng lượng tái tạo (Quy hoạch điện VIII, phần năng lượng tái tạo theo bản trình phê duyệt gần nhất là ngày 16 -12-2022), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỉ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050 nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý – đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng. Và quan trọng hơn hết là sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, năng lượng tái tạo tuy có tiềm năng lớn, nhưng muốn khai thác cần phải có sự hỗ trợ trong một thời gian nữa. Bởi lẽ theo chia sẻ của các nhà đầu tư với phóng viên, nếu giá điện thấp như khung giá mua điện tái tạo chuyển tiếp, lại bằng VND nữa thì nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ không còn hào hứng để rót vốn.

Phân tích của các nhà đầu tư cho thấy, theo khung giá mới mà Bộ Công Thương ban hành thì mức giá cao nhất cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, tương đương 6,8 cent là rất thấp. Bởi mỗi KW điện gió khi đầu tư đã mất khoảng 7 cent vốn đầu tư. Như vậy nếu bán theo giá khung mới, đương nhiên các dự án đã bị lỗ.

Không chỉ có vậy, theo các nhà đầu tư, trước đây mức mua điện từ các dự án đều tính quy đổi ra đô la Mỹ (USD), điều này rất quan trọng vì doanh nghiệp sẽ đỡ thiệt thòi khi tỷ giá biến động.

Bởi lẽ thời gian qua tỷ giá biến động theo chiều hướng rất xấu cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá đã khiến nhiều doanh nghiệp đáng lẽ từ lãi chuyển sang lỗ. Do đó, nếu Bộ Công thương vẫn tính giá mua điện bằng tiền VND về lâu dài sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp bởi chi phí thuê chuyên gia, phí vận hành, chi phí nhập khẩu thiết bị… doanh nghiệp đều phải tính bằng USD.

Đa phần các chủ đầu tư cho rằng mức giá mà Bộ Công Thương đưa ra mới chỉ đủ để “tiếp máu” cho 62 chủ đầu tư dự án chậm tiến độ hưởng giá FIT để họ không phá sản chứ nếu áp dụng mức giá này lâu dài thì họ khó dám tiếp tục đầu tư vào dự án điện tái tạo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có yếu tố hỗ trợ giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Theo đó, sẽ vẫn còn dự địa để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả đầu tư dư án, có hai xu hướng hỗ trợ rõ rệt bao gồm:

Thứ nhất, ngày 14-12-2022, Việt Nam và các nước G7 cùng đối tác phát triển là Liên minh Châu Âu, Na uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh. Theo đó, kế hoạch ban đầu sẽ huy động khoảng 15,5 tỉ đô la Mỹ từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam. Đây được xem là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ, đang chảy mạnh mẽ vào nền kinh tế gần 100 triệu dân và là cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoạt động hiệu quả tái cấu trúc nợ trong thời gian tới.

Thứ hai, theo dự thảo Quy hoạch điện 8, chi phí đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo sẽ giảm dần trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho công đoạn phát triển của các dự án sắp tới, phần nào bù đắp được việc phải huy động ở mức giá thấp cho các dự án năng lượng tái tạo diện chuyển tiếp.

Dự kiến chi phí đầu tư điện mặt trời trang trại và điện gió trên bờ sẽ giảm khoảng 1,5% mỗi năm trong khi đó, chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi ghi nhận mức giảm gấp đôi khoảng 3% từ nay đến 2045. Theo đó chi phí quy dẫn (LCOE) có thể ghi nhận mức giảm tương ứng và Công ty VNDirect cho rằng xu hướng giảm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hạ bớt áp lực chi phí trong cả ngắn và dài hạn.

Điều này sẽ giúp con đường đi đến phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đỡ gập ghềnh hơn, thu hút được nhiều nguồn nội lực và từ nhà đầu tư nước ngoài, ưu đãi của các tổ chức quốc tế, vừa thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước.

Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26, giới phân tích vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá chính thức đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, dài hạn, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.