Công ty thành viên PVN ứng dụng điện mặt trời

Mang theo bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời bình, cựu chiến binh (CCB) Trần Công Nghiệp, Phó xưởng Điện tự động, Phó chủ tịch Hội CCB Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã có nhiều ý tưởng ứng dụng hiệu quả trong hoạt động của công ty, tiết kiệm mỗi năm hàng chục tỉ đồng.

Thời gian qua, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã triển khai đồng bộ Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để đạt được mục tiêu của đề án, PTSC M&C đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất của công ty như: thương mại, thiết kế, hành chính tổng hợp, tổ chức nhân sự và kỹ thuật sản xuất. PTSC M&C đã xây dựng hệ thống kiểm soát sáng kiến cải tiến được ban hành thành quy trình kiểm soát tích hợp trong hệ thống ISO: Đăng ký sáng kiến, hội đồng đánh giá thẩm định, triển khai, khen thưởng và đăng ký bảo hộ quyền sáng kiến. Đồng thời luôn tạo điều kiện tốt nhất để CBCNV tăng cường sáng kiến sáng chế, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa nguyên vật liệu của công ty. Lực lượng CCB trong công ty đã cùng hòa chung phong trào, đóng góp không nhỏ trong sự thành công của PTSC M&C cho tới ngày nay.

Là Phó xưởng Điện tự động, CCB Trần Công Nghiệp luôn làm việc với khẩu hiệu: “Tiết kiệm hôm nay – Bền vững ngày mai”, là tấm gương sáng cho các thế hệ đàn em noi theo. Với phương châm, mỗi kW giờ điện được tiết kiệm là làm cho môi trường xanh – sạch – đẹp, các CCB PTSC M&C nói chung và Trần Công Nghiệp nói riêng đã có nhiều ý tưởng ứng dụng thành công vào thực tế sản xuất, góp phần không nhỏ vào việc làm cho sản phẩm của mình làm ra có chất lượng hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Để triển khai các ý tưởng của mình, CCB Trần Công Nghiệp đã cùng Hội CCB phối hợp với Đoàn Thanh niên PTSC M&C tổ chức thiết kế thử nghiệm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đến nay đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà xưởng, hòa lưới điện trực tiếp dự kiến hàng nghìn kW, lấp đầy các mái nhà xưởng trên công trường thi công.

Theo CCB Trần Công Nghiệp: “Đặc thù PTSC M&C là đơn vị chế tạo cơ khí, nên tiêu thụ điện năng rất lớn. Do vậy việc đầu tư hệ thống năng lượng điện mặt trời sao cho có hiệu quả kinh tế cao, giảm thời gian hoàn vốn là bài toán luôn đặt lên hàng đầu. Với tư duy đó, công ty đã quyết định triển khai hệ thống năng lượng điện mặt trời hòa lưới trực tiếp không có hệ thống UPS (bộ lưu điện) để giảm giá thành đầu tư ban đầu do không phải đầu tư UPS. Bên cạnh đó, do nguyên lý hoạt động của hệ thống là luôn ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng mặt trời tạo ra đưa vào tải sử dụng trước nên hiệu suất sử dụng của hệ thống luôn đạt 100%. Đồng thời, triển khai lắp đặt theo từng modul, mỗi modul khoảng 20kW đã giúp giảm giá thành và tăng tính linh hoạt trong việc bảo trì hệ thống”.

guong sang tiet kiem
Pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà xưởng của PTSC M&C

Bên cạnh những đóng góp quan trọng vào việc phát triển đồng bộ hệ thống pin năng lượng mặt trời ở công ty, CCB Trần Công Nghiệp còn phối hợp cùng các phòng, ban chức năng và các Đoàn Thanh niên thuộc Xưởng Điện tự động, để thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong công ty bằng đèn led, giúp giảm lượng điện tiêu thụ, đảm bảo độ sáng và tăng tính an toàn cho hệ thống điện công ty, tiết kiệm chi phí lên đến gần 2 tỉ đồng tiền điện hằng năm. Tính đến nay, toàn bộ hệ thống chiến sáng của công ty đã thay thế bằng đèn led được 3 năm, hoạt động ổn định, chi phí bảo dưỡng, thay thế rất thấp và đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.

CCB Trần Công Nghiệp đã nghĩ đến việc triển khai tòa nhà thông minh, thay thế đèn tự động bật – tắt vào các vị trí ít người sử dụng như hành lang, nhà vệ sinh hoặc đèn cảm biến theo độ sáng của phòng để tự điều chỉnh. Việc làm này sẽ hỗ trợ giảm bớt chi phí do tiêu thụ điện năng và tuổi thọ bóng đèn”.

Một điểm nhấn trong công tác sử dụng nguồn năng lượng xanh là PTSC M&C ưu tiên nội địa hóa sản phẩm, bằng việc sử dụng các thiết bị do các công ty trong nước sản xuất để giảm giá thành và có chọn lọc nhà sản xuất về chất lượng để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

PTSC M&C được Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận thành tích trong trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, khi kiểm toán năng lượng năm 2017 do Tổng Công ty Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí thực hiện.

Một ý tưởng khác của CCB Trần Công Nghiệp là cung cấp nguồn điện bờ cho tàu Amadeus bằng việc dùng nguồn điện trung thế 22kV-50Hz còn dư của hệ thống trung thế của công ty đưa qua bộ đổi tần số ra nguồn 690V-60Hz để dùng chung cho các dự án công trình biển mà PTSC M&C thực hiện. Nói về sáng kiến này, CCB Trần Công Nghiệp chia sẻ, do ảnh hưởng của giá dầu giảm, công việc của tàu giảm đi, thời gian tàu nằm bờ tăng lên. Đặc điểm con tàu này sử dụng điện 690V-60Hz, nguồn này đối với đơn vị sản xuất điện thì không phù hợp. Do đó, việc tàu nằm ở cầu cảng dùng điện lưới thông qua máy biến tần thì chi phí giảm đi nhiều so với việc phải thuê máy phát, chi phí rất lớn.

Theo CCB Trần Công Nghiệp để các sáng kiến, cải tiến của mình được triển khai trên thực tế thì trước hết phải thuyết phục được lãnh đạo đồng ý cho triển khai, bằng việc chuẩn bị đầy đủ thông tin về: kỹ thuật, vật liệu, mua sắm, các định hướng về năng lượng trong và ngoài nước, đến các chế độ chính sách để có cơ sở giải trình, thuyết phục lãnh đạo về các lợi ích trước mắt đạt được như tận dụng được nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên; tận dụng các chế độ ưu đãi của Nhà nước… Đồng thời, trong triển khai, rất cần sự phối hợp, phát huy tính năng động, nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên.

Theo Petrotimes.

Sinh lời từ điện mặt trời trên mái nhà

Chính phủ đã ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 11 về việc mua điện mặt trời đến tận hộ gia đình, kèm theo cơ chế giá. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên một thị trường năng lượng tái tạo đầy sôi động.

Cụ thể từ ngày 1.6.2017, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).

Lắp điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình

Hộ gia đình khỏi lo tiền điện
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.
Ông Trần Hữu Cường, ngụ Q.2 (TP.HCM), cũng phấn khởi: “Tôi đã tìm hiểu về lĩnh vực này rất nhiều và trước giờ cứ đắn đo giữa bộ ĐMT công suất 2 kW và 5 kW. Bộ nhỏ không đủ cho nhu cầu sử dụng còn bộ lớn xài không hết lại bỏ phí. Lấn cấn mãi về việc này nên chưa đầu tư. Nhưng với quyết định mới của Chính phủ, tôi sẽ lắp hẳn bộ công suất lớn vì dư cũng bán được, không phải bỏ phí. Từ nay về sau không phải hằng tháng lo tiền điện, giá điện tăng”.
Cuối năm ngoái, anh Nguyễn Văn Công (Q.10, TP.HCM) đầu tư bộ ĐMT công suất 5 kW với tổng chi phí lên đến 180 triệu đồng nên sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định của Chính phủ có thể giúp anh Công kiếm thêm thu nhập từ “nhà máy điện” trên nóc nhà của mình. “Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích cho ĐMT phát triển ngày càng mạnh,” anh Công nói.
Là người có kinh nghiệm sử dụng ĐMT, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi đầu tư hệ thống ĐTM cuối năm ngoái. Thời điểm đó vẫn chưa có quy định về mua bán điện giữa hộ gia đình và nhà cung cấp điện. Toàn bộ hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện tốn chi phí 130 triệu đồng. Khi có quy định về việc mua bán điện, người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện xài không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống xài mà không cần tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là thừa phải cho không nhưng khi cần sử dụng lại phải mua. Trước đây, tôi tính chi phí đầu tư hệ thống ĐMT tương đương 10 năm tiền mua điện hằng tháng. Với quyết định mới này thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 5 – 7 năm”.
Doanh nghiệp đổ vốn vào điện mặt trời
Cũng theo Quyết định 11, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án ĐMT. Thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án ĐMT là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT còn được ưu đãi về vốn, thuế, đất đai…
Khu vực nam Trung bộ có tiềm năng rất lớn về ĐMT. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2015 mới có một dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc nhưng chỉ trong tháng 3.2017 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chấp thuận 2 dự án đầu tư khác.
Hiện dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình (H.Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do Tập đoàn điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư đã được lập quy hoạch bổ sung vào mạng lưới phát triển điện của tỉnh. Toàn bộ vùng tiềm năng ĐMT của Bình Thuận là trên 8.400 ha. Tổng công suất được quy hoạch 5.035 MW.
Trong đó, quy hoạch đến năm 2030 là 4.500 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được tỉnh cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án. Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết tỉnh đang rà soát lần cuối quy hoạch tổng thể về ĐMT tầm nhìn đến năm 2030. Ngay cả các mặt hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng được quy hoạch ĐMT vì các hồ nước này hoàn toàn có thể đặt phao nổi để lắp đặt các tấm pin mặt trời.
Cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được nhiều dự án ĐMT. Theo Sở Công thương Ninh Thuận, toàn tỉnh có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư, trong đó có 2 dự án đã tiến hành xong nghiên cứu khảo sát và đã lập dự án đang trình UBND tỉnh xem xét trước khi trình Bộ Công thương phê duyệt; khoảng 40 nhà đầu tư khác đang nộp hồ sơ làm ĐMT tại tỉnh. Các chuyên gia lĩnh vực ĐMT cho biết có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức… với quy mô mỗi dự án 30 – 100 MW.
Báo Thanh Niên
Báo giá HT điện mặt trời nối lưới cho gia đình tham khảo