Đã có 6 nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp đồng ý giá bán điện tạm thời bằng 50% giá khung

Danh tính 6 nhà máy này gồm: nhà máy điện gió Nam Bình 1, điện gió Viên An, điện gió Hưng Hải Gia Lai, điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, điện mặt trời Phù Mỹ 3 và điện gió Hanbaram.

Thông tin với phóng viên sáng 15/5, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đã có 6 nhà máy thống nhất với Tập đoàn Điện lực EVN về mức giá mua điện tạm thời bằng 50% giá điện khung của Quyết định số 21/QĐ-BCT. 

Hiện quyết định này của Bộ Công Thương quy định mức trần của khung giá đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi có giá 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền có giá 1.587,12 đồng /kWh; nhà máy điện gió trên biển có giá 1.815,95 đồng/kWh.

Tổng công suất của 6 nhà máy nói trên chưa vận hành thương mại (COD) là 357,5 MW, chiếm tỷ lệ 7,6%. 

Trước đó,  EVN, đã nhận 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp. Trong 27 hồ sơ đề nghị này, chỉ có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện đã được phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.

Theo thống kê của Cục Điều tiết điện lực, số dự án điện gió chuyển tiếp hiện có 77 nhà máy/phần nhà máy điện gió, với tổng công suất 4.185,4 MW; 8 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 506,66 MW.

Đến nay có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã nộp hồ sơ với tổng công suất chưa vận hành thương mại là 1.956,8 MW, chiếm tỷ lệ 37%. Trong đó, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án (tổng mức đầu tư dự án, hồ sơ tài chính, các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiến độ dự án, đất đai, thỏa thuận đấu nối, quy hoạch) và 5 dự án mới gửi hồ sơ, hiện đang được EVN rà soát.

Ngoài ra, theo Cục Điều tiết điện lực, có 16/31 nhà đầu tư đã đề xuất áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. 

Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, 23 nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong lúc chờ đàm phán, thỏa thuận giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Các nhà đầu tư mong muốn trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án: EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương (khung giá) cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố. Thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của khung giá trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng. Thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá, thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

Trong khi đó, phía EVN cho rằng, điều kiện tiên quyết để các dự án chuyển tiếp được huy động điện là phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công Thương. Trong các hồ sơ đã tiếp nhận thì hầu hết là chưa hoàn thiện, thiếu các thủ tục khác nhau, trong đó khó khăn, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến đất đai để thực hiện dự án.

Bộ Công Thương: Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cần “hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro”

Theo Bộ Công Thương, cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp cần cần đảm đúng các yêu cầu của pháp luật hiện hành.

Chiều tối 3/4, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ Công Thương đã trả lời báo chí liên quan đến ý kiến của một số nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho rằng khung giá điện mà Bộ Công Thương đưa ra là thấp khiến doanh nghiệp không có lãi, cũng như chưa thể gửi hồ sơ đàm phán với EVN.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ trước đến nay giá FIT là cơ chế hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió được quy định trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi cơ chế FIT hết hiệu lực cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. 

“Điều này cần đảm đúng các yêu cầu của pháp luật hiện hành”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, để xây dựng được khung giá điện này, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp để xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp. Căn cứ Thông tư 15, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã báo cáo Bộ Công thương kết quả tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Trên cơ sở tính toán của EVN, Bộ Công Thương đã tham khảo và tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan. Sau đó đã công bố ban hành Quyết định 21 quy định về khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió chuyển tiếp để cho EVN và các chủ đầu tư thoả thuận để sớm đưa các nhà máy vào vận hành tránh gây lãng phí.

Ông Hải nhấn mạnh, khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập từ báo cáo ý kiến khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn thông số đầu vào để chuẩn hoá tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, theo số liệu của các nhà tư vấn trong nước và quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua”

“Sau khi có khung giá điện, Bộ Công Thương đã yêu cầu phối hợp với các chủ đầu tư của nhà máy thoả thuận giá điện để sớm đưa vào vận hành. Việc đàm phán cần tính toán trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ngoài ra, các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, môi trường, PCCC… 

“Rất mong EVN và các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần để sớm đưa nhà máy vào vận hành song phải tuân thủ theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hải cho biết.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, thực tế phải ghi nhận, rất nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời không có kinh nghiệm, đặc biệt là về hạ tầng điện. Trong số các dự án đang triển khai đã có vi phạm nên bản thân địa phương và các cơ quan quản lý không thể bỏ qua các sai phạm đó để nghiệm thu cho dự án.

Liên quan đến những kiến nghị của chủ đầu tư 84 dự án điện mặt trời và điện gió không kịp tiến độ, tại cuộc họp được EVN tổ chức cách đây ít hôm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, các cơ chế ưu đãi trước đây đã được thực hiện trong thời hạn nhất định nên khi hết giá ưu đãi (giá FIT), sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp.

Cùng đó, ngay khi lập đề án, chủ đầu tư ngoài tính theo mức giá FIT cũng phải có bài toán nếu không đạt mức giá FIT thì hiệu quả dự án sẽ ra sao, khi bắt tay làm dự án, nếu không kịp tiến độ đề ra của Chính phủ thì phương án của doanh nghiệp thế nào.

“Với những dự án đã đầu tư rồi, giờ phải chấp nhận giảm lợi nhuận xuống. Thay vì theo tính toán chỉ cần 8 đến 10 năm là hoàn vốn thì giờ phải chấp nhận kéo dài thời gian hoàn vốn lên 12, thậm chí 15 năm. Thực tế, qua làm việc, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành nhảy vào đầu tư chưa hiểu rõ các quy trình cũng như những vướng mắc trong triển khai dự án. Giờ các dự án phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm đầy đủ các thủ tục đúng theo quy định”, ông Hùng nói.

Phải tuân thủ quy định pháp luật

Trao đổi với PV liên quan đến việc chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có đơn kiến nghị gỡ khó gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương và các bộ ngành mới đây, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã kéo tình trạng vỡ quy hoạch cũng như nhiều vấn đề khác liên quan đến việc truyền tải cũng như huy động các nguồn điện. Qua kiểm tra việc phát triển năng lượng tái tạo ở các địa phương, Bộ Công Thương đã phát hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo có hàng loạt sai phạm về thiết kế, thoả thuận đấu nối cũng như quy hoạch.

“Vướng mắc nhất hiện nay của các dự án chính là các dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ để được hưởng giá điện ưu đãi (giá FIT) do Chính phủ quy định. Những vấn đề vướng mắc của các chủ đầu tư dự án điện gió không kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 31/10/2021 theo quy định của Chính phủ đã được Bộ Công Thương báo cáo xin ý kiến của Chính phủ. Vấn đề hiện tại của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN đàm phán với doanh nghiệp đầu tư dự án điện năng lượng sau khi doanh nghiệp đáp ứng toàn bộ các yêu cầu pháp lý”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, các doanh nghiệp được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, với Bộ Công Thương hay EVN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định. Chính phủ cũng có chỉ đạo Bộ Công Thương phải thực hiện đúng quy định pháp luật. “Giờ công nghệ đã thay đổi, giá thành sản xuất điện năng lượng cũng thay đổi nên các doanh nghiệp cần ngồi cùng EVN tính toán lại mức giá cho phù hợp, không thể đòi hỏi được giá ưu đãi”, vị này nói. Ông cũng cho rằng, ngay như báo cáo của EVN cũng cho thấy, dù đã họp trực tiếp và yêu cầu chủ đầu tư 84 dự án không kịp tiến độ nộp hồ sơ để đàm phán giá nhưng đến hết 31/3/2023 chỉ có 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ. Doanh nghiệp kêu nhưng khi yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ để đàm phán thì lại không nộp.