Tăng cường hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái

Đề xuất giữ nguyên mức giá 9,35 UScent/kWh được Bộ Công thương kỳ vọng sẽ có nhiều gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở khu vực phía Nam, giảm bớt áp lực về cung cấp điện trong thời gian tới.

Giá giữ nguyên, thêm hỗ trợ

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tới ngày 18/7, cả nước có 9.314 khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái. Nếu ngoại trừ các đơn vị thuộc EVN có lắp điện mặt trời áp mái thì còn 9.110 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 186,37 MWp. Trong số này, có 7.550 khách hàng là hộ gia đình với công suất 40,46 MWp.

“Lượng khách hàng là hộ gia đình quan tâm tới điện mặt trời áp mái có sự tăng nhanh trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh của EVN nói.

Với thực tế nguồn cung cấp điện chưa được bổ sung các nguồn mới và lớn, trong khi nhu cầu dùng điện vẫn tăng mạnh, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái được Bộ Công thương xem là một giải pháp giảm áp lực cung cấp điện, bên cạnh sự chủ động của người dân để có thể đảm bảo các hoạt động sinh hoạt bình thường.

Theo ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, TP.HCM có tiềm năng 6.000 MWp điện mặt trời áp mái và tại khu vực Đà Nẵng con số này là cỡ 1.000 MW. Nếu có thêm 7.000 MWp điện mặt trời áp mái này đi vào hoạt động sẽ giúp giảm áp lực lớn trong cấp điện, nhất là khu vực miền Nam, bởi nằm ngay vùng tiêu thụ điện lớn và đang thiếu hụt nguồn cung cấp.

Cũng bởi thực tế này, nên trong dự thảo quyết định mới cho giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019, Bộ Công thương vẫn tiếp tục giữ nguyên mức giá mua điện mặt trời áp mái tương đương 9,35 UScent/kWh như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.

Để thúc đẩy sự quan tâm của người dân với điện mặt trời áp mái, “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà” do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) triển khai đã dành khoản tiền trị giá 14,5 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để tài trợ các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Theo đó, các hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp – tương đương 15% chi phí lắp đặt và tối đa không quá 9 triệu đồng/hộ. Chương trình dự kiến kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021.

“Cách đây 3 năm, đầu tư cho 1 kWp điện mặt trời áp mái có chi phí khoảng 50 – 60 triệu đồng, nhưng hiện nay, theo thống kê từ thực tế lắp đặt của chính EVN thì chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/kWp, bao gồm cả thiết bị và nhân công”, ông Dũng nói.

Lo chất lượng

Trên các diễn đàn về điện mặt trời, nhiều người rất quan tâm tới câu chuyện chất lượng thiết bị để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình sử dụng.

Anh Nguyễn Nam đến từ TP.HCM cho hay, gia đình anh đã lắp hệ thống điện mặt trời áp mái với tấm pin và inverter của Đức. Trước khi lắp được tư vấn là mỗi ngày thu được khoảng 16 kW điện và thời gian thu hồi vốn chỉ từ 4-6 năm. Tuy nhiên, thực tế khi sử dụng chỉ thu được từ 10-11 kW, nên thời gian thu hồi vốn có thể lên tới 10 năm.

Nhận xét về trường hợp này, anh Đức Phúc đến từ Đà Nẵng cho hay, với inverter 3 kW nếu đầu tư pin mặt trời với công suất 3 kWp thì ngày nắng tối thiểu phải thu được 17 kW, nếu lắp đúng hướng, góc độ và cấu hình inverter tốt. “Một hệ thống điện mặt trời tốt sẽ lấy lại vốn sau 5 năm là điều dễ dàng. Tuy nhiên, một hệ thống mặt trời tốt là từ giai đoạn tư vấn kinh tế, thiết kế hệ thống, đến trình độ của người đi lắp đều phải đảm bảo”, anh Đức Phúc nhận xét.

Trước thực tế có thể bùng nổ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình và các đơn vị muốn kinh doanh điện để bán lại cho EVN, Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm, hay thực hiện các chương trình đạo tạo và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái.

Đây sẽ là tiền đề để các hệ thống điện mặt trời áp mái có hiệu suất khai thác tốt nhất và không tạo ra những xung đột khi cấp điện lên lưới điện quốc gia, cũng như gây mất an toàn cho các thiết bị dùng điện của gia đình.

Top 10 hãng sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới

Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 gồm 5 hợp phần

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường

Xây dựng Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm

Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm

Thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông.

Gia Lai : khuyến khích hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái

Nguồn năng lượng mặt trời được xem là vô tận và quý giá, nhất là trong tình trạng nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Nhận thức rõ điều đó, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đang nỗ lực giúp người dân trên địa bàn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này.

Theo số liệu bức xạ năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tỉnh Gia Lai có số giờ nắng trung bình 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm3 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,8-5,2 kWh/m2/ngày. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo này, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho khách hàng và địa phương. Mặc khác, ĐMT trên mái nhà còn có những ưu việt như: Thân thiện với môi trường, thi công, lắp đặt dễ dàng, tận dụng mái nhà hoặc không gian của công trình để lắp đặt các tấm pin mặt trời. Ước tính, mỗi gia đình chỉ cần sử dụng diện tích 50m2 mái nhà là có thể lắp đặt được hệ thống pin sản sinh ra công suất gần 10kWp, đáp ứng đủ nhu cầu điện sử dụng trong gia đình. Đối với khách hàng đầu tư ĐMT trên mái nhà để kinh doanh thì được xem là một giải pháp đầu tư an toàn, hiệu quả.  

Anh Phan Quang Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Quang (TP Pleiku), một trong những khách hàng tiên phong đầu tư ĐMT trên mái nhà để kinh doanh ở tỉnh Gia Lai chia sẻ: Bài toán lợi nhuận của ĐMT trên mái nhà rất đơn giản, với thiết bị, công nghệ hiện nay, chi phí lắp ĐMT trên mái nhà khoảng từ 20 đến 22 triệu đồng/1kWp; giá bán điện được ngành điện ưu tiên mua là 9,35 Cent/kWh. Như vậy, khách hàng chỉ mất khoảng 5 đến 6 năm là thu hồi lại toàn bộ vốn đầu tư, trong khi đó tuổi thọ của hệ thống này lên đến 25 năm. Ví dụ như hiện nay, tôi đang sử dụng hệ thống ĐMT trên mái nhà với công suất 120kWp, chi phí lắp đặt hơn 1,5 tỷ đồng, mỗi tháng thu về 30 triệu đồng từ tiền bán điện và chỉ hơn 5 năm, tôi sẽ thu hồi được toàn bộ số vốn bỏ ra.

Tương tự, anh Phan Bá Kiên, trú tại 527, Phạm Văn Đồng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà từ đầu năm 2019 với công suất 6 kWp, tổng chi phí 120 triệu đồng, mỗi tháng gia đình anh giảm được hơn 2 triệu đồng tiền điện. Anh Kiên cho biết: “Nó rất hiệu quả về kinh tế, đặc biệt đối với những gia đình, cơ sở sản xuất sử dụng điện nhiều vào ban ngày”.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, từ đầu năm 2018, PC Gia Lai đã triển khai lắp đặt ĐMT trên mái nhà  toàn bộ nhà điều hành của công ty và 15 điện lực huyện với tổng công suất là 443,52kWp. Lượng điện này vừa đảm bảo một phần cho hoạt động của trung tâm điều hành của PC Gia Lai và các điện lực trực thuộc, vừa hòa vào điện lưới quốc gia, thu lợi nhuận cho đơn vị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 172 khách hàng đã lắp đặt, sử dụng ĐMT trên mái nhà với công suất 4498,99kWp và nhiều khách hàng đang triển khai lắp. Đặc biệt, có khách hàng lắp với công suất lên đến 999.90kWp.

Ông Lê Quang Trường, Phó giám đốc PC Gia Lai cho biết: Hiện nay, công ty đang tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có kiến thức, hiểu biết cơ bản về ĐMT trên mái nhà. Cử cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ hết mức cho khách hàng về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật của hệ thống ĐMT trên mái nhà trước khi đưa vào vận hành. Người dân có nhu cầu đầu tư ĐMT trên mái nhà sẽ được hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình. Khi công trình hoàn thành, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, sẽ được nghiệm thu, chủ đầu tư và ngành điện thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Hằng tháng, ngành điện sẽ ghi nhận sản lượng điện giao nhận và trả tiền với sản lượng điện dư thừa cho khách hàng…