Điện năng lượng mặt trời sẽ “bùng nổ” vào năm 2020

Hiệp hội Công nghiệp quang điện châu Âu dự báo rằng đến năm 2020, cơn “bùng nổ năng lượng Mặt Trời” sẽ diễn ra trên toàn thế giới và sẽ lấn át dần các nhà máy điện truyền thống. Năm 2012 vừa qua là cột mốc quan trọng cho lĩnh vực này – tổng công suất các nhà máy Điện năng lượng Mặt Trời trên thế giới vượt mốc 100 GW.


Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời sẽ lấn át dần các nhà máy điện truyền thống.

 

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán rằng trong vòng 50 năm tới, năng lượng Mặt Trời sẽ thay thế các nguồn năng lượng cạnh tranh khác, trong khi các chuyên gia đang kêu gọi một dự báo thận trọng hơn và chỉ ra rằng khí đốt và điện hạt nhân sẽ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu.
Kết quả của năm 2012 thực sự ấn tượng: tổng công suất của tất cả các nhà máy điện năng lượng Mặt Trời thế giới đã tăng gần 30 GW và lên đến 100 GW, tương đương với tổng công suất của hàng chục nhà máy điện hạt nhân. Theo dự đoán của hiệp hội quang điện châu Âu, sau 8 năm, con số này sẽ tăng lên 6 lần. Nước giữ kỷ lục là Đức, với mức tăng 8 GW trong năm 2012. Theo Hiệp hội Công nghiệp quang điện châu Âu, qua đà phát triển của ngành công nghiệp có tương lai này, có thể nói chẳng bao lâu nữa năng lượng Mặt Trời sẽ lấn át các nhà máy điện truyền thống.
Đúng là năng lượng Mặt Trời đã đạt mức tăng kỷ lục, nhưng điều này chủ yếu là do các khoản trợ cấp của chính phủ các nước châu Âu. Phải nói thêm rằng ở Italia và Tây Ban Nha ngày càng có nhiều người đòi bãi bỏ trợ cấp ẩn cho ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời. Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia Nga Sergey Pravosudov cũng công nhận rằng ngay cả Đức cũng đã thu hồi đầu tư phát triển trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Giám đốc Phát triển Năng lượng Nga Sergey Pikin cho biết: “Trở ngại chính để năng lượng thay thế trở thành trụ cột của nền kinh tế là rất khó đảm bảo cho sản xuất, đòi hỏi phải có một nguồn năng lượng thường xuyên, một lịch làm việc đều đặn. Có những rủi ro cho các ngành công nghiệp cơ bản khi sử dụng năng lượng thay thế. Bởi vậy, trong vòng 50 năm tới, một nhiệm vụ quan trọng đối với ngành năng lượng thay thế là xây dựng một hệ thống mới đảm bảo cung cấp tải trọng liên tục cho người tiêu dùng, tại bất kỳ thời gian nào trong ngày và trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi đầu tư rất lớn để chuyển dịch cơ cấu công nghệ của hệ thống năng lượng”.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu IHS Inc. (Mỹ), Nhật Bản sẽ trở thành thị trường sử dụng năng lượng Mặt Trời nhiều nhất thế giới, với việc lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mới giúp nâng công suất lên gấp đôi. Trong năm 2013, thị trường điện Mặt Trời của Nhật Bản ước tính sẽ đạt 19,8 tỷ USD (1.910 tỷ yên), vượt Đức – quốc gia xếp thứ 1 về điện Mặt Trời từ năm 2009 – 2012.
Về triển vọng lạc quan cho các thị trường mới nổi, nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ, ông Sergei Pikin nói tiếp: “Năng lượng Mặt Trời hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh năng lượng cho Ấn Độ. Phần lớn người dân nước này không có đủ điện để dùng. Do đó, thách thức hiện nay đối với họ là có đủ số lượng nhà máy điện lớn để trang trải các khoản thâm hụt. Nước này có thể sẽ phát triển năng lượng Mặt Trời, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nơi mà việc kéo đường điện là rất tốn kém. ”
Minh Trang

Tàu năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới cập cảng New York

Trong chuyến hành trình nghiên cứu hiệu ứng của thay đổi khí hậu đối với dòng hải lưu Gulf Stream. Tầu năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Turanor PlanetSolar đã cập cảng New York (Mỹ), ngày 25/6/2013.

Tầu năng lượng mặt trời Turanor PlanetSolar bắt đầu hành trình cách đây hai tháng (tháng 4/2013), từ La Ciotat của Pháp, và đã cập cảng tại nhiều điểm, bao gồm thành phố đông nam nước Mỹ, Miami, với nhiệm vụ thu thập thông tin về thay đổi khi hậu và hải lưu Gulf Stream.

Thuyền trưởng người Pháp, Gerard d’Aboville cho biết: Mục đích chính của chúng tôi là nghiên cứu hải lưu Gulf Stream. Tất cả chúng ta đều biết nếu dòng hải lưu Gulf Stream thay đổi dù chỉ là rất nhỏ thì khí hậu của chúng ta sẽ bị xấu đi rất nhiều.

Hải lưu Gulf Stream gửi một khối lượng lớn nước ấm từ vịnh Mexico đến Bắc Đại Tây Dương, giúp Đại Tây Dương, châu Âu có khí hậu tương đối ôn hòa. Nó còn giữ cho các khu vực mà nó đi qua như West Indies của nước Mỹ, khỏi bị khô cằn.

Được tài trợ một phần bởi chính phủ Thụy Sỹ, chiếc tầu này sử dụng các tấm năng lượng mặt trời, có thể thu vào qua các cổng và xòe rộng ra như những cánh chim để tận dụng được tốt nhất những tia nắng khi ở ngoài khơi

Vào tháng 5/2012 con tầu này trở thành phương tiện sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Đó là một hành trình dài với 584 ngày, trải qua hơn 60.000 km. Tầu năng lượng mặt trời Turanor PlanetSolar sẽ di chuyển đến hết tháng 8/2013, cùng với các điểm dừng theo kế hoạch là Boston, Newfoundland, Iceland và NaUy.