EVN rà soát lại hàng trăm dự án điện mặt trời nông nghiệp

Cùng lúc với hơn 40 doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai bị giảm công suất, EVN cũng rà soát lại hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà để không bỏ sót các trường hợp gian lận.

Doanh nghiệp muốn kiện

Đơn kiến nghị tập thể của hơn 40 doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, bởi cơn sốt điện mặt trời vừa qua khiến không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư dốc tiền bạc vào để mong hốt bạc.

Các chủ đầu tư này cho hay, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đều phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70 – 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5 – 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.

Theo phương án tài chính, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên.

Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án từ 50% đến 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời. Các chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Điều này có thể khiến các chủ đầu tư điện mặt trời và các ngân hàng thương mại cho vay đồng loạt khởi kiện các công ty điện lực vi phạm Hợp đồng mua bán điện và đề nghị bồi thường thiệt hại, sẽ gây bất ổn an ninh, xã hội.

Các chủ đầu tư điện mặt trời lập luận, theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương, Hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các doanh nghiệp và các công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của các dự án điện mặt trời.

Do vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện mặt trời phát tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay (từ đầu tháng 2/2021 đến nay) là vi phạm các quy định của Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan khác. Các chủ đầu tư có quyền khởi kiện các công ty điện lực tại tòa án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.

EVN siết mạnh hậu kiểm

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) chỉ đạo rà soát, kiểm tra tổng thể các hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật.

Văn bản này cũng đưa ra yêu cầu các tổng công ty điện lực đánh giá đầy đủ về những rủi ro và chịu trách nhiệm trước Tập đoàn về tính chính xác trong các thông tin báo cáo về việc nghiệm thu, ký kết hợp đồng đối với 70 nguồn điện mặt trời mái nhà cụ thể.

Theo đó, EVNSPC và EVNCPC phải chỉ đạo Giám đốc các công ty điện lực có ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư để xác định rõ có vi phạm hay không vi phạm các quy định về nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện; yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh cho việc lắp đặt, nghiệm thu, đưa vào vận hành nguồn điện đã được ký kết hợp đồng là đúng quy định theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương.

Trường hợp các chủ đầu tư không phối hợp để xác định rõ có vi phạm hay không, thì yêu cầu các công ty điện lực dừng thanh toán trong thời gian xác minh tính chuẩn xác của việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện và đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng nói là, không chỉ tiến hành rà soát lại 70 nguồn điện mặt trời này, EVN cũng đã quyết định sử dụng dịch vụ cung cấp không ảnh để hỗ trợ việc giám sát tình hình vi phạm hợp đồng mua bán điện mặt trời tại một số tổng công ty điện lực.

Theo đó, 2 tổng công ty điện lực có nhiều dự án điện mặt trời mái nhà nhất là EVNCPC và EVNSPC sẽ phải báo cáo tọa độ vị trí lắp đặt, hình ảnh chụp thực tế tại thời điểm so sánh với hình ảnh lúc hưởng COD (chứng nhận vận hành thương mại) và các thời điểm sau đó đến nay để đánh giá tình hình vi phạm hợp đồng của các dự án điện mặt trời mái nhà.

Số lượng mà EVN nêu ra là 277 dự án, tập trung vào miền Trung và miền Nam. 

Ủng hộ việc hậu kiểm mạnh tay của EVN đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được công nhận trước ngày 1/1/2021, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, do giá mua điện mặt trời mái nhà theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg khá hấp dẫn, nên đã có tình trạng nhiều doanh nghiệp chạy đua để được hưởng COD trước, dù không có dự án đầy đủ. Minh chứng cho điều này là việc tăng vọt của các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong tuần cuối cùng của năm 2020. 

“277 hệ thống tương đương khoảng 277 MW, tôi cho chỉ là bước đầu. Theo quan sát của tôi thì việc gian lận có thể không dưới 3.000 MW. Vì vậy, không chỉ EVN nên tiến hành hậu kiểm chặt để loại  các hệ thống gian lận, mà các cơ quan khác cũng phải vào cuộc để trả lại sự công bằng cho các nhà đầu tư nghiêm túc”, một nhà đầu tư đang có hàng loạt dự án năng lượng tái tạo nói với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo Báo Đầu Tư

Tăng điện than, bỏ gần 8.000MW năng lượng tái tạo trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII

Bộ Công Thương vừa đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Theo dự thảo mới này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW.

Tăng hơn 3.000 MW điện than

Theo đó, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra hồi tháng 3 tại Tờ trình số 1682 công bố hồi tháng 3.2021.

Xét về các loại hình năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, vẫn ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác; tiếp tục gia tăng tỉ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với khả năng vận hành của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.

Tuy nhiên, ở dự thảo mới, năng lượng điện gió trên bờ và gần bờ sẽ chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; điện gió ngoài khơi giảm khoảng 2.000 MW. Điều này khiến tổng điện năng sản xuất từ các loại hình điện gió dự kiến chỉ còn khoảng 5,6-6,5% vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với mức 8,1-10,3% của Tờ trình cũ…; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.980 MW về mức 1.170 MW…

Như vậy, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện, còn tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Đáng chú ý, nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW. Như vậy, tỉ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Sẽ thu hồi dự án chậm triển khai

Đặc biệt, trong Dự thảo mới này, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp: Dứt khoát phải xây dựng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, áp dụng đối với các chủ đầu tư, các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương.

Bộ này lý giải, ách tắc ở bất cứ khâu nào nếu không được quan tâm sát sao, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời cũng có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch, dẫn đến thiếu điện cho đất nước, giảm hiệu quả đầu tư dự án, thậm chí thất thoát, lãng phí như đã thấy thời gian qua ở một số dự án lớn.

Cụ thể, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực họp ít nhất 1 lần/tháng, thường xuyên đôn đốc các dự án trọng điểm, điều phối, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư các công trình điện đảm bảo tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các vấn để vượt thẩm quyền.

Bộ này cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương cứ 6 tháng 1 lần rà soát các công trình nguồn điện đã duyệt trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch có liên quan còn hiệu lực bắt đầu từ năm 2022.

Theo đó, nếu các dự án trong các quy hoạch đã duyệt chậm quá 24 tháng trong lần rà soát đầu tiên năm 2022, sẽ điều chỉnh đẩy lùi thời kỳ phát điện của dự án sang chu kỳ 5 năm sau.

Trong lần rà soát thứ 2 của năm 2022, nếu dự án đó vẫn không có tiến triển thực tế, sẽ xem xét thu hồi để giao cho nhà đầu tư mới có năng lực triển khai, thiệt hại vật chất (nếu có) do chủ đầu tư cũ gánh chịu.

Còn đối với các dự án chưa chọn được chủ đầu tư/chưa được giao chủ đầu tư, Bộ này đề xuất: Trong vòng 12 tháng kể từ ngày quy hoạch được duyệt, UBND cấp tỉnh phải thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo các quy định của Luật đầu tư và Luật đấu thầu.

Nếu quá 12 tháng địa phương chưa thực hiện, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án thay thế dự án bị chậm từ danh sách các dự án trong quy hoạch đã duyệt.

Bộ Công thương cũng đề xuất được giao thẩm quyền 12 tháng 1 lần điều chỉnh kỳ phát điện và điều chỉnh công suất của các dự án nguồn điện để bám sát tình hình triển khai thực tế….