Xây dựng nhà máy điện mặt trời : chuyện người trong cuộc

Trước cơn lốc đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời để kịp thời điểm vẫn hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trước ngày 30/6/2019 (ngày Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực), nhiều nhà đầu tư sau khi có Giấy phép đã làm việc bất kể ngày đêm để đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ.

Và với công xưởng sản xuất tấm pin mặt trời tại Trung Quốc cung cấp cho toàn thế giới, việc lắp đặt và vận hành một nhà máy điện mặt trời với công suất khoảng 50 MW không phải là vấn đề. Nhưng để có mặt bằng cho việc xây dựng mới là việc vô cùng khó, trong đó, cơ chế mềm của một nhà đầu tư tư nhân đã phát huy tính ưu việt hơn hẳn nhà đầu tư từ ngân sách.

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nhanh chóng trở thành điểm ngắm của nhà đầu tư điện mặt trời nhờ nguồn bức xạ mặt trời cao quanh năm

Được thiên nhiên ưu đãi nguồn bức xạ mặt trời cao quanh năm, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nhanh chóng trở thành điểm ngắm của nhà đầu tư điện mặt trời. Sau khi khảo sát kỹ lưỡng tính chất đất ở đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cấp phép xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại hai xã Cam An Nam và Cam An Bắc là Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa (chủ đầu tư là Công ty CP Năng lượng AMI Khánh Hòa) và Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung (chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Trung – EVNCPC, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN).

Nếu như Điện mặt trời AMI mất hơn 1 năm để hoàn tất giấy phép đầu tư, bổ sung vào quy hoạch điện mặt trời ở địa phương, thì Điện mặt trời Điện lực miền Trung lại rất thuận lợi, bởi đây là dự án mà ban đầu EVN dự định thí điểm để xác định giá.

Nhưng mọi khó khăn lại nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, nơi mà cơ chế mềm phát huy tác dụng, mà những doanh nghiệp nhà nước không thể có được sự linh hoạt như vậy.

Ông Hứa Minh Đức – Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa nhớ lại khoảng thời gian đầy áp lực khi xây dựng Nhà máy

Ông Hứa Minh Đức – Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa nhớ lại giai đoạn bắt đầu công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2018. Tháng 10/2018, khởi công xây dựng, đến tháng 3/2019 dành cho giải phóng mặt bằng đường dây. Ngày 25/5/2019, Nhà máy chính thức đóng điện và kết nối với hệ thống của Công ty Điện lực Khánh Hòa.

Đó là một khoảng thời gian đầy áp lực, ông Đức chia sẻ. Công tác giải phóng mặt bằng Nhà máy khá thuận lợi. Trước khi chúng tôi đến, người dân đầu tư 35 triệu đồng/ha để trồng mía, đến lúc thu hoạch chỉ bán được có 25 triệu đồng, lỗ 10 triệu. Đất đai ở đây chẳng đầu tư canh tác được gì ngoài cây mía.

Do đó, khi có chủ trương nhường đất cho dự án, dân rất phấn khởi. Mới đầu, mỗi ha đất chỉ vài trăm triệu, sau cứ lên dần đến cả tỉ đồng, gửi vào ngân hàng mỗi tháng không làm gì tiền lãi cũng bằng mức lương của người công nhân đi làm, nên họ rất mừng, đồng thuận bán đất. Công tác xây dựng san lấp mặt bằng vì thế cũng rất thuận lợi, trang thiết bị lắp đặt đúng tiến độ.

Các mảng pin được đấu nối vào các combiner box để chuyển năng lượng đến các inverter

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cho việc kéo đường dây mới phức tạp. Để kéo đường dây từ trạm biến áp của Nhà máy ra trạm biến áp Cam Ranh để hòa lưới, Nhà máy phải xây dựng 27 trụ điện. Số tiền đền bù cho dân không đáng bao nhiêu, có thể chỉ vài chục triệu, nhưng trụ điện lại nằm ngay giữa ruộng của dân nên rất khó khăn trong việc thương lượng.

Chúng tôi đã phải dùng rất nhiều cách để thương lượng với dân. Giải quyết xong đền bù của 27 trụ điện thì đến đền bù hoa mầu trong hành lang an toàn lưới điện theo quy định. Chủ đầu tư chỉ đền bù hoa mầu trên hành lang an toàn. Tuy nhiên, sau này trên khoảng đất đó họ không trồng được cây lâu năm, thành ra cũng gây bức xúc cho dân.

Mỗi ca trực có 1 trưởng ca, 1 trưởng phụ và 2 kỹ thuật, ca đêm chỉ có 2 người

Ngoài ra, vị trí đặt trạm biến áp truyền tải có quy hoạch dân cư, có đường sá, đường dây đi ngay trên đầu nhà dân, họ sợ đất bán không được, giá trị đất giảm nên khi chúng tôi thi công, họ kéo nhau ra phản ứng, thậm chí livestream lên mạng xã hội.

Vì thế, một mặt, chúng tôi tiếp tục thương lượng với dân, một mặt, trong hai ngày 24-25/4 khi kéo đường dây, chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để bảo vệ thi công.

Chỉ đến khi đóng điện thành công, Nhà máy vận hành trôi chảy, chúng tôi mới thực sự thở phào. Nhờ đóng điện đúng tiến độ nên Nhà máy vẫn được hưởng mức giá của Quyết định 11.

Trạm biến áp đặt trong tòa nhà điều hành

Năm 2019, Khánh Hòa đặc biệt gần như không có mùa mưa như tính toán ban đầu (3 tháng mưa/năm), do vậy, tiềm năng phát điện của AMI Khánh Hòa rất tốt.

Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa có tổng cộng 146.780 tấm pin, các tấm pin chia thành nhiều chuỗi, 30 tấm tạo thành mảng pin được đấu nối vào 219 combiner box, từ đó chuyển đến 19 inverter điện áp 22kV sau chuyển đổi sẽ chuyển đến trạm biến thế đặt tại tòa nhà. Tại đây có 2 biến thế, tổng công suất 50MVA, cấp điện áp 22kV lên 110 kV.

Hệ thống đường dây tải điện dài 5,5km từ Nhà máy đi ra trạm biến thế Cam Ranh. Sản lượng hàng ngày đưa hết lên lưới. Ban ngày, Nhà máy dùng điện mặt trời, ban đêm dùng điện lưới.

Hệ thống tấm pin mặt trời được vệ sinh thường xuyên bởi robot.

Không may mắn như AMI Khánh Hòa, Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung chỉ kịp đóng điện 10MW cho mức giá 9,35 cent/kWh, không đủ công suất như thiết kế ban đầu là 50MW. Nguyên nhân cũng là do không kịp giải phóng mặt bằng.

Thời điểm này, Nhà máy đã hoàn thành đóng điện 50MW, nhưng 40MW vào sau hiện chưa có quy định về mức giá. Đây là dự án thí điểm của EVN nhằm xác định mức giá của điện mặt trời, tuy nhiên đã lỡ mất thời điểm, do không thể linh hoạt được trong quá trình đàm phán mua đất của dân để giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Giám đốc Ban A của EVNCPC chia sẻ về những rào cản mà một doanh nghiệp nhà nước gặp phải trong quá trình đàm phán giải phóng mặt bằng

Khoát tay một vòng trên cánh đồng điện mặt trời rộng mênh mông, đẹp như tranh vẽ, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Giám đốc Ban A của EVNCPC cho biết, điện mặt trời đã đem đến cho vùng đất này một diện mạo mới, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, tăng giá trị cho vùng đất canh tác khô cằn không đem lại hiệu quả kinh tế này.

Tuy nhiên, là một doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi thực sự đã gặp rất nhiều rào cản để đi đến như ngày hôm nay.

Ông Thủy nhớ lại, cùng thời điểm hai dự án điện mặt trời tại huyện Cam Lâm được phê duyệt, là doanh nghiệp nhà nước nên Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung được áp giá mua đất theo đơn giá của tỉnh ban hành.

Vì nó quá thấp với thực tế, nên Nhà máy không thể triển khai được. Mỗi lần xin điều chỉnh giá mua đất lại chờ phê duyệt mất mấy tháng, thì lúc đó giá đất thực tế lại đã khác rất xa rồi. “Cứ như vậy, vài lần điều chỉnh là chúng tôi không kịp có mặt bằng để lắp đặt tấm pin” – ông Thủy chia sẻ.

Chỉ tay vào lùm xanh khoét vào những tấm pin mặt trời lấp lánh, ông Thủy cho hay, chủ nhân miếng đất này đòi tiền đền bù đất quá cao, mặc dù mảnh đất này hoàn toàn không sinh lợi nhuận. Sau nhiều lần đàm phán không thành công, Nhà máy đang tính phương án đề nghị tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ đổi sang khu đất khác.

Cánh đồng điện mặt trời của Điện lực miền Trung như một bức tranh

Chật vật để giải phóng mặt bằng, nên đến thời điểm Quyết định 11 hết hiệu lực, Nhà máy chỉ kịp đóng điện 10MW. Số còn lại đến tận cuối tháng 12/2019 mới hoàn tất thì chưa có mức giá cụ thể do Chính phủ quy định.

Hiện chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sớm có quyết định về mức giá điện mặt trời để các doanh nghiệp như chúng tôi có thể yên tâm sản xuất và định hướng được sự phát triển của mình trong tương lai, ông Thủy nói.

Tính đến thời điểm tháng 3/2020, đã có tổng số 4.500 MW điện mặt trời được lắp đặt, khoảng 60% đã được kết nối với hệ thống điện quốc gia, được mua với giá 9,35 cent/kWh.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có quyết định tiếp theo về mức giá điện mặt trời.

Tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời theo phương án cố định (giá FIT). Cụ thể, những dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cấp chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến 31/12/2020 được áp dụng hưởng giá ưu đãi 7,09 cent/kWh, với dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 cent/kWh, với dự án điện mặt trời nổi. Điện mặt trời áp mái vẫn giữ giá 9,35 cent/kWh. Mức giá này chưa bao gồm VAT.

Hồ Nga

Nhìn điện mặt trời, lo điện gió

Điện gió đang lên cơn sốt với mức giá ưu đãi gần 2.000 đồng/số nhưng nếu nhà đầu tư không cẩn thận, vết xe đổ của điện mặt trời có thể “vận” vào điện gió.

Điện gió trong cuộc đua nước rút

Mới đây tôi nhận được cuộc gọi của một chuyên gia về năng lượng tái tạo có kinh nghiệm phát triển nhiều dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam. Trong câu chuyện, ông nói không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều nhà đầu tư đổ xô vào điện gió. “Đầu tư vào điện gió lúc này để hưởng giá ưu đãi cũng rủi ro lắm”, ông nói.

Tôi biết, băn khoăn của ông xoay quanh 2 từ “tiến độ”.

Mức giá ưu đãi cho điện gió đến trước tháng 11/2021 là hết hạn, cho nên nhiều nhà đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để đưa công trình vào vận hành. Nhưng điện gió lại không nhanh như điện mặt trời được.

Với dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, để có được báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), nhà đầu tư phải có dữ liệu đo gió, ít nhất là mất 12 tháng. Độ sai số của dữ liệu gió cũng liên quan nhiều đến địa hình. Nhiều nhà đầu tư chọn cách làm song song quy hoạch và đo gió, nhưng cũng phải mất 12 tháng cho phần việc này. 

Khi có dữ liệu đo gió, nhà đầu tư mới làm được thiết kế, công việc tiêu tốn nhiều thời gian. “Nhà đầu tư nào làm điện gió mà đến giờ chưa thu thập được dữ liệu đo gió ít nhất 6 tháng thì không thể kịp đưa vào vận hành vào trước tháng 11/2021”, vị này khẳng định. Khi đó, liệu chính sách với điện gió có thay đổi chóng mặt như điện mặt trời không là nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

Kịch bản xảy ra với điện mặt trời rất dễ xảy ra với điện gió, rất ít dự án điện gió có thể kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi.

Nhìn điện mặt trời, lo cho điện gió

Ngoài ra, việc đặt mua thiết bị điện gió cũng rất khó khăn. Dòng tuabin 5MW, nhiều nhà đầu tư muốn đặt cũng không có. Còn dòng tuabin 4MW đặt hàng phải mất 1 năm mới có hàng giao, có nghĩa đến 2021 mới lắp đặt được.

“Những thiết bị này nhà đầu tư thường đặt từ Thụy Điển, Đức, Mỹ, Trung Quốc. Ngay cả hàng của Trung Quốc không phải đặt là cũng có ngay được. Với thiết bị điện gió, khi có khách đặt hàng thì nhà máy mới làm, chứ không có sẵn. Công suất nhà máy sản xuất thiết bị điện gió có giới hạn. Nếu cùng nhiều đơn hàng trên thế giới đặt, họ sẽ ưu tiên cho các khách hàng thân quen hơn. Doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng cũng sẽ bị chậm”, chuyên gia này cho hay.

Đó là chưa kể, nhiều dự án điện gió cũng có chung nỗi lo như điện mặt trời, đó là đầu tư vào những vùng lưới điện bị quá tải nên không thể bán hết lượng điện sản xuất ra. Không nói đâu xa, một số dự án điện gió vận hành trước thời điểm mức giá ưu đãi mới được ban hành cũng đang phải chịu cảnh không phát được hết điện sản xuất lên lưới.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tỏ ra “tâm tư” khi các dự án điện gió bị cắt giảm công suất vì điện mặt trời làm cho liên lụy.

Đơn cử, có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn. Các dự án này được hưởng mức giá khoảng 1.770 đồng một kWh (tương đương 7,8 cent), chứ không phải mức giá gần 2.000 đồng/số tại Quyết định 39.

Ông Bùi Vạn Thịnh lo lắng: Việc cắt giảm công suất khiến các chủ đầu tư điện gió “thiệt đơn thiệt kép”. Thực tế, hiện đang là mùa gió tốt nhưng các nhà máy điện gió bị cắt giảm tới 61% công suất và chỉ phát điện được 39%. Sản lượng điện phát chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh.

Tuy không “căng” như tình trạng quá tải điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng kịch bản tương tự với điện gió cũng không thể loại trừ.

Vì đâu lên cơn sốt?

Điện gió lên cơn sốt cũng là điều được dự báo trước khi điện mặt trời đã hết ‘hot’. Điện gió bắt đầu thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió. Mức giá mới này đủ để nhiều nhà đầu tư chạy theo.

Cụ thể, tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Với tỷ giá 23.250 đồng như hiện tại, giá mua điện gió trên đất liền xấp xỉ 2.000 đồng/số. Mức giá này đã khiến hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào điện gió.

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra cho thấy, khi giá điện gió chưa được nâng lên thì chỉ có 9 dự án đi vào vận hành với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng khi giá mua điện tăng  lên gần 2.000 đồng/số, hàng ngàn MW điện gió đã được ký Hợp đồng mua bán điện và hàng nghìn MW đã được bổ sung quy hoạch, tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng…

Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngoài 9 dự án đã đi vào vận hành thương mại, còn 31 dự án có tổng công suất là 1.645 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA), hiện đang được đầu tư xây dựng chưa đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài ra, hiện có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến 2025 nhưng chưa ký PPA với EVN, tổng công suất là khoảng 2.700 MW. Bên cạnh đó, hơn 100 dự án khác đang xin ý kiến để được bổ sung vào quy hoạch.

Đó là con số thể hiện sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào điện gió. Nhưng, trong cơn sốt điện gió, nhà đầu tư phải bình tĩnh khi quyết định đầu tư một dự án bởi những rủi ro với điện gió như nêu trên là rất khó lường.

Câu chuyện hàng chục dự án điện mặt trời không kịp vận hành trước thời điểm hưởng giá ưu đãi, rồi nhiều dự án đã vận hành bị giảm công suất phát vẫn còn nguyên giá trị với điện gió.

Lương Bằng – Vietamnet