‘Ông lớn’ năng lượng tái tạo Trungnam Group kinh doanh như thế nào?

Loạt dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành năm 2021

Công ty cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Tập đoàn được lèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

du-an-trung-nam.png
Năng lượng tái tạo là mảng chính và được tập đoàn đầu tư mạnh nhất.

Tập đoàn bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ 2018 và đây là lĩnh vực tạo nên tiếng vang cho Trungnam Group các năm gần đây. Vị CEO khẳng định trong 5 lĩnh vực ngành nghề chiến lược thì năng lượng tái tạo là mảng chính và được đầu tư phát triển nhất. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, tính đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 – kịp hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

trung-nam-159-1969-1661493434.png
Nguồn: Tổng hợp

Theo số liệu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW. Như vậy, công suất của Trungnam Group chiếm hơn 7,2% tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước. 

2 dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng. Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được khởi công và khánh thành ngay trong năm 2020. Tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Trungnam Group chia sẻ dự án này có điều đặc biệt là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, đây là dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng bởi trước đây hạ tầng truyền tải điện thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước. Dự án điện gió Ea Nam cũng được cho là dự án điện gió quy mô lớn nhất nước, khánh thành vào cuối năm 2021 sau 10 tháng thi công. 

Trong định hướng chiến lược, Trungnam Group tiếp tục đầu tư nhiều dự án năng lượng. Cụ thể, đến năm 2025, tập đoàn đặt mục nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8 GW năng lượng tái tạo và 1,5 GW điện khí LNG, doanh thu dự kiến hơn 1,5 tỷ USD, giữ vững vị thế là nhà đầu tư năng lượng tái tạo số 1 tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.

Tổng đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo do Trungnam Group đầu tư lên đến gần 50.000 tỷ đồng. Để có nguồn tiền thực hiện, tập đoàn đã huy động từ nhiều nguồn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Như với dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, tập đoàn thông qua 2 đơn vị thành viên Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và CTCP Trung Nam phát hành tổng cộng 6.300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, lãi suất 10,5%/năm trong năm 2020. Hay tại dự án điện gió Ea Nam, tập đoàn qua đơn vị thành viên – Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 huy động gần 11.000 tỷ đồng trái phiếu. Bản thân tập đoàn trong vòng 1 năm qua cũng đã chào bán thành công 5.400 tỷ đồng trái phiếu nhiều kỳ hạn với mục đích huy động vốn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo hoặc các dự án khác.

Ngoài ra, vay ngân hàng là nguồn tiền không thể thiếu. Vietcombank (HoSE: VCB) là đối tác chiến lược tài trợ nhiều dự án lớn của Trung Nam Group đã đi vào hoạt động như điện mặt trời Thuận Nam, điện gió Đông Hải 1, điện gió Ea Nam với tổng giá trị thu xếp vốn lên tới gần 13.600 tỷ đồng. Vào đầu năm nay, 2 bên đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược toàn diện. 

Lãi đột biến 2021

Sau khi xác định đầu tư mạnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trungnam Group đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng trong 5 năm cho tương xứng với quy mô. 

trung-nam245-8457-1661493434.png
Đơn vị: tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2021, công ty mẹ Trungnam Group có tổng tài sản 41.111 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.321 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 23,8%, tương đương tổng nợ vay 2.780 tỷ đồng. Sức khỏe tài chính của công ty đã cải thiện đáng kể trong 2 năm dịch bệnh, giai đoạn 2017-2019, nợ vay gấp 2 đến 3 lần vốn chủ sở hữu nhưng đến 2020 giảm xuống 18,7% và cuối năm 2021 là 23,8% do tăng vốn.

Theo dữ liệu Người Đồng Hành có được, hoạt động kinh doanh của Trungnam Group dần khởi sắc các năm gần đây. Riêng 2021, doanh thu đạt 8.788 tỷ đồng, giảm 14,5% so với 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 2.104,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 132,6 tỷ đồng năm 2020 và là mức đột biến trong vòng 5 năm qua.

trung-nam366-4405-1661480874.png
Đơn vị: tỷ đồng

Được biết, trong năm 2021, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE ) – thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Đây có thể là nguyên nhân giúp lợi nhuận tập đoàn đột biến năm qua.

Vào đầu tháng 7, Bloomberg đưa tin tập đoàn đang làm việc với tổ chức tư vấn tài chính để bán từ 30-35% vốn trong danh mục đầu tư, chủ yếu là dự án điện gió và điện mặt trời. Định giá mảng này có thể lên đến 1 tỷ USD. 

Đối với hợp nhất, tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 lên đến trên 92.568 tỷ đồng. Ngoài công ty mẹ, 2 thành viên có tổng tài sản lớn gồm Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam và Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam – chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

trung-nam-tai-san-4516-1661480874.png
Đơn vị: tỷ đồng

Đa phần các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng của tập đoàn đều có kết quả kinh doanh ấn tượng 2021. Điện mặt Trời Trung Nam Thuận Nam ghi nhận doanh thu đột biến từ 346 tỷ đồng năm 2020 lên 1.822 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận tăng từ 637 triệu đồng lên 402 tỷ đồng. Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh tăng mạnh doanh thu từ 526 tỷ lên 898 tỷ và lợi nhuận tăng từ 96 tỷ lên 114 tỷ đồng. Còn Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 bắt đầu phát sinh doanh thu, lợi nhuận.

trung-nam-5-9744-1661480874.png
Đơn vị: tỷ đồng

Phát triển điện khí đối mặt với nhiều khó khăn

Bên cạnh nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi thì điện khí cũng được đánh giá là nguồn điện ổn định, có thời gian hoạt động dài và đặc biệt là nguồn điện cần thiết để chạy nền khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, loại hình năng lượng này còn gặp nhiều thách thức.

Theo đánh giá từ Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần. Bên cạnh đó, lượng phát thải carbon ít hơn một nửa so với điện than. Đồng thời, điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.

Với lợi thế trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có thể sớm chuyển đổi từ điện than sang điện khí để giảm phát thải nhanh chóng hơn, sớm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Mới đây, tại bản Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cũng đã đặt vấn đề chuyển đổi một lượng lớn điện than sang điện khí LNG. Theo Quy hoạch Điện VIII rà soát sau Hội nghị COP26, quy mô các nguồn điện than năm 2030 sẽ giảm mạnh, còn 37 GW, giảm 18 GW so với quy mô trong Nghị quyết 55/NQ-TW, phù hợp với xu hướng của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Quy hoạch Điện VIII đã thay thế công suất điện than bằng khoảng 14 GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG, còn lại bù bằng 12-15 GW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (đối với điện gió) và 1/4 (đối với điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí. Tức là, tới năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng 16,4% cơ cấu nguồn điện.

Với hướng phát triển đó, nhu cầu nhập khẩu LNG tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

Tuy vậy, không phải hoàn toàn 23.900 MW điện khí đều mới được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch, mà có tới 17.900 MW điện khí LNG này kế thừa từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt bổ sung trước khi lập Quy hoạch Điện VIII. Chỉ có khoảng 6.000 MW điện khí LNG đề xuất phát triển mới trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện nay với các vị trí nằm ở phía Bắc gồm Thái Bình, Nghi Sơn, Quỳnh Lập và Quảng Trạch 2. Các dự án mới này giúp đảm bảo nguồn điện chạy nền của hệ thống điện miền Bắc trước thực trạng mất cân đối và thiếu nguồn cung ổn định ở phía Bắc.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đối với các dự án nhà máy điện độc lập (IPP) do nhà đầu tư trong nước thực hiện (như Nhơn Trạch 3&4 do PV Power làm chủ đầu tư, hay Hiệp Phước của Công ty TNHH Hiệp Phước), khó khăn lớn nhất là thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, các dự án này đang triển khai đúng tiến độ quy hoạch và được lên kế hoạch vận hành vào giai đoạn 2024-2025.

Hiện Dự án Tua-bin khí hỗn hợp Hiệp Phước giai đoạn I với quy mô 1.200 MW đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đang thu xếp vốn và triển khai xây dựng. Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đã lựa chọn xong tổng thầu EPC và đang triển khai thực hiện.

Với các dự án IPP có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài gồm Bạc Liêu của DOE, Long An 1&2 của Liên danh VinaCapital và GS Energy, Quảng Trị của Liên danh T&T và Tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc, rủi ro thường gặp được Bộ Công Thương nhắc tới là tổ chức cho vay vốn đưa ra yêu cầu bảo lãnh ngặt nghèo của Chính phủ, nhiều khi vượt quá khung khổ pháp lý hiện hành.

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu là dự án tiêu biểu với những khó khăn được nhắc đến gần đây. Được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 1/2020, nhưng tới nay, các bên liên quan vẫn đang vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), thiết kế về thỏa thuận hàng hải và các vấn đề khác có liên quan đến dự án.

Theo Bộ Công Thương, cần ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực. Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp.

Tuy vậy, các dự án điện khí sử dụng khí trong nước cũng đang gặp nhiều trở ngại. Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cho hay, đến năm 2030 dự kiến phát triển khoảng 7.240 MW, gồm: cụm 3 nhà máy Ô Môn 2, Ô Môn 3 và Ô Môn 4 sử dụng khí từ Lô B; cụm 5 nhà máy điện sử dụng khí của mỏ Cá Voi Xanh (gồm Dung Quất 1&2,3 và Miền Trung 1&2 với tổng công suất 3.750 MW) và một nhà máy điện sử dụng mỏ Báo Vàng với công suất 340 MW. Đây là các nguồn điện đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc cần có các giải pháp để giữ tiến độ của cụm nhiệt điện khí Ô Môn – Lô B (3.150 MW, vận hành giai đoạn 2025-2027) và cụm nhiệt điện khí Miền Trung – Cá Voi Xanh (3.750 MW, vận hành giai đoạn 2028-2029).

Tương tự, cụm điện khí Lô B, vướng mắc chính ở phía thượng nguồn là vấn đề bảo lãnh Chính phủ. Với cụm mỏ khí Cá Voi Xanh cũng đang đối mặt với rủi ro về phía thượng nguồn, do ExxonMobil – nhà đầu tư chính đang có vấn đề về định hướng đầu tư nội bộ và dự án này không nằm trong các dự án ưu tiên của ExxonMobil. Vì vậy, việc đàm phán các thỏa thuận thương mại chậm sẽ ảnh hưởng đến triển khai nhiều việc khác.

Với mỏ khí Báo Vàng, còn gặp khó khăn trong xác định trữ lượng của mỏ khí, nên khó có thể vận hành trước năm 2030.

Rõ ràng, dù được nhiều đánh giá có thể hoạt động ổn định, là nguồn điện chạy nền, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động ổn định của hệ thống điện quốc gia, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn liên quan cả việc thu xếp vốn, đảm bảo nguồn khí và nhiều vấn đề đàm phán khác…