Mở rộng tín dụng xanh cho các dự án điện mặt trời

Xã hội phát triển, đời sống của người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp ngày một cải thiện, nhưng kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Bởi vậy, việc hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực xanh, sạch cần được quan tâm nhiều hơn và các ngân hàng đang tích cực thực hiện điều này. 

Rót mạnh vốn vào năng lượng mặt trời

Trong xu hướng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo, các dự án điện mặt trời được nhiều ngân hàng quan tâm rót vốn.

Mới đây, OCB đã thu xếp nguồn vốn tài trợ bổ sung vốn lưu động cho Công ty cổ phần Năng lượng TTC – TTC Energy và tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê. OCB nhận tài sản bảo đảm là hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay, tỷ lệ tài trợ tối đa 70% tổng giá trị đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, đối với ngành năng lượng nói chung, OCB có nhiều kinh nghiệm khi tài trợ vốn cho các dự án thủy điện Ðăk R’tih, Sông Ba, Thuận Hòa – Hà Giang, dự án điện mặt trời Eco Seido, Ðức Thành – Mũi Né…

Ðại diện HDBank cho hay, Ngân hàng dành 7.000 tỷ đồng cho chương tình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020.

Theo đó, HDBank sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Ðặc biệt, HDBank ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.

Riêng tại Ninh Thuận, HDBank sẽ ưu tiên cho vay các dự án có công suất thiết kế lớn (2.000 MW) đã được Chính phủ chấp thuận triển khai và có khả năng đấu nối trước 31/12/2020. Ðiều kiện để được vay là khách hàng phải có vốn chủ sở hữu từ 150 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư. HDBank cũng yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ dự án chuyển về tài khoản thanh toán của khách hàng tại Ngân hàng.

Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Vốn đối ứng của chủ đầu tư 40%, vốn vay các ngân hàng 60%. Dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Ðiền do Công ty cổ phần Ðiện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm.

Công trình được khởi công xây dựng quý IV/2017 và được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2018.

Vietcombank cũng dành nguồn tài trợ hàng nghìn tỷ đồng cho điện mặt trời. Ngân hàng vừa ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BP Solar tài trợ dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1, tổng giá trị cấp tín dụng là 785 tỷ đồng.

Dự án này có công suất 46 MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, nằm tại xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ðây là một trong số những dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai sớm nhất tại Ninh Thuận và đi vào hoạt động từ đầu năm 2019.

Ngoài ra, Vietcombank Thủ Thiêm đã ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần Ðầu tư và phát triển điện Ðại Hải để tài trợ vốn cho dự án Nhà máy điện mặt trời Srêpok 1. Dự án có công suất lắp đặt 50 MW với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Một dự án khác là Ðiện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh đã nhận được 1.000 tỷ đồng vốn vay từ VietinBank. Dự án này có quy mô 68,8 MW và tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Cần đẩy mạnh hơn tín dụng xanh

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn chung của toàn cầu, trong có Việt Nam. Bởi vậy, xu hướng đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm “xanh” của cá nhân, doanh nghiệp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích áp dụng. Ðó cũng là lý do các nhà băng đang bắt tay đẩy mạnh dòng vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện năng lượng mặt trời, hay các dự án sản xuất thân thiện với môi trường…

ảnh 1

Tình trạng ô nhiễm ở các đô thị do hoạt động công nghiệp và vận tải đang báo động.Trong kế hoạch hành động của Chính phủ hướng tới tăng trưởng xanh, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng.Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.Ðầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã và đang có những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh. Là một trong những ngân hàng tiên phong trong triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam, Nam A Bank đã ký kết với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF).

Trong đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm tối thiểu 20% nhu cầu năng lượng.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với gói tín dụng hỗ trợ trong lĩnh vực này, mức lãi suất ngân hàng cho vay ưu đãi khoảng 5-6%/năm.

Bà Maud Savary Mornet, Giám đốc GCPF khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, với chương trình tín dụng xanh này, GCPF và Nam A Bank sẽ đồng hành cùng khách hàng trong các mục tiêu tài chính và chung tay bảo vệ môi trường.

HDBank cũng dành 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ưu đãi 1%/năm so với lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, HDBank chấp nhận tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay tối đa 80% và thời hạn vay lên tới 10 năm.

Ðồng thời, HDBank đã triển khai các chương trình liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước, cũng như xây dựng các chương trình xuất khẩu kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Tuy vậy, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mới có 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng Sacombank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, HSBC…

Thực tế trên đòi hỏi ngành ngân hàng cần đẩy mạnh tín dụng xanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện môi trường sống và sức khỏe, đồng thời đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Giá mua điện mặt trời còn hấp dẫn các doanh nghiệp?

Nhiều doanh nghiệp phản ứng với dự thảo quy định mà Bộ Công thương trình Chính phủ: giá mua điện mặt trời trên mặt đất còn 7,09 cent/kWh.

Đâu là mức giá hợp lý để doanh nghiệp đầu tư nhưng cũng không tăng áp lực tiền điện lên người dân?

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết kết quả đấu thầu tại Campuchia vào tháng 9-2019 đã có dự án trúng thầu bán điện mặt trời với giá chỉ 3,877cent/kWh. Tất nhiên Campuchia có đặc thù riêng, dự án này triển khai theo hình thức BOT, hạ tầng do chính phủ cung cấp… nhưng giá mua điện mặt trời cần cái nhìn khách quan. Lý do là người trả tiền điện mặt trời cuối cùng không phải là Tập đoàn Điện lực VN (EVN), mà chính là người dùng điện.

Không phải không làm được?

Thay vì mức giá điện mặt trời là 9,35 cent/kwh (2.086 đồng/kWh) với các dự án hòa lưới trước tháng 7-2019, nay trong dự thảo mà Bộ Công thương trình Chính phủ đã đề xuất: chỉ giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh với điện mặt trời từ mái nhà. Giá bán điện từ dự án điện mặt trời trên mặt đất chỉ còn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh), nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.750 đồng/kWh).

Dù đã khảo sát mặt bằng, tiến hành các thủ tục đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại địa bàn Quảng Trị với tổng công suất đến 300 MW, ông Phạm Hữu Hiển, giám đốc Công ty TNHH năng lượng MT, cho biết với mức giá mua bán điện dành cho dự án điện mặt trời trên mặt đất như đề xuất mới nhất thì doanh nghiệp này sẽ không thể triển khai cả 2 dự án. 

Thay vào đó, doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy dự án điện nổi trên mặt nước với tổng công suất 100 MW bởi mức giá dành riêng cho công nghệ này nhỉnh hơn.

Theo ông Hiển, nếu giá mua bán điện mặt trời giảm quá sâu so với trước đây (9,35 cent/kWh), không ít nhà đầu tư dù đã xin bổ sung quy hoạch ở khu vực miền Trung, miền Bắc vẫn phải tính phương án rút lui bởi đây là khu vực tiềm năng nắng thấp, dẫn đến việc tiếp tục đầu tư, xây dựng sẽ không còn hiệu quả.

Tương tự, dù dự án đã nằm trong quy hoạch ở Đắk Lắk, ông Nguyễn Nguyệt Hà (nhà đầu tư) cho biết bản thân rất lưỡng lự khi đầu tư, bởi mức giá mới sẽ tác động rất lớn thời gian thu hồi vốn. Theo ông Hà, với mức giá cũ, thời gian thu hồi vốn chừng dưới 10 năm, song với giá mới ước tính phải nâng lên khoảng 14-15 năm.

Áp lực lên giá bán lẻ điện

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng việc đề xuất biểu giá mới nhằm phản ánh sát giá công nghệ thế giới đã thay đổi và xu hướng tương lai. Bộ Công thương đã có nghiên cứu cho thấy việc giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh cho điện mặt trời từ mái nhà và một số dự án tại các vùng ưu tiên tác động không lớn do lượng công suất không nhiều.

Theo đại diện EVN, với mức giá điện mặt trời mà EVN mua lại từ các nhà đầu tư điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (với các dự án hòa lưới trước ngày 1-7-2019), về nguyên tắc, các chi phí này phải được phản ánh đầy đủ trong giá điện mà EVN bán cho khách hàng.

Thực tế, mức giá điện mặt trời mà EVN mua lại từ các nhà đầu tư là 2.086 đồng/kWh đang cao hơn giá bán điện bình quân mà EVN đang bán điện cho các khách hàng (như năm 2019 là 1.864 đồng/kWh). Giá bán lẻ điện sẽ phụ thuộc vào chi phí mua điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện khí, than, dầu…

Tuy nhiên, sản lượng phát điện từ điện mặt trời ngày càng lớn sẽ tác động càng nhiều đến giá thành điện, từ đó tác động gián tiếp lên giá bán lẻ điện cho người dân. EVN cũng cho biết việc tác động cụ thể thế nào đến giá bán lẻ điện cần phải tính toán dựa trên các số liệu thực tế.

Sao không đấu giá?

Một số chuyên gia cho rằng cần tham khảo câu chuyện Campuchia đấu thầu và chọn mua được điện mặt trời với giá chỉ 3,877cent/kWh. Trên thế giới, đã có 100 quốc gia áp dụng cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng việc áp dụng giá điện cố định (giá FIT) kèm thời gian áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo còn non trẻ như Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy mở rộng quy mô thị trường. Đặc biệt, trước nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2023, việc tiếp tục áp dụng giá FIT đến hết năm 2021 sẽ thúc đẩy triển khai đầu tư các dự án đã có trong quy hoạch và một phần các dự án đã đăng ký.

Bộ Công thương cho hay đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cơ chế đấu thầu, dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư nào đưa ra giá bán điện thấp nhất từ dự án năng lượng tái tạo sẽ được chọn. Bộ Công thương sẽ chọn phương án phù hợp với quy định hiện hành, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét triển khai thí điểm trước khi nhân rộng.

Trong khi đó, đại diện EVN cũng cho rằng việc đấu thầu giá điện mặt trời là giải pháp tốt để tối ưu hóa chi phí. “Tuy nhiên, hiện tại nếu đấu thầu có thể dẫn tới thời gian thủ tục kéo dài hơn, tốc độ phát triển nguồn điện mới có khả năng chậm lại, ảnh hưởng gián tiếp đến cung cấp điện, nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2021. Vì vậy, từ nay đến năm 2021 nếu tổ chức đấu thầu giá bán điện mặt trời thì chỉ nên thí điểm ở một số dự án. Việc áp dụng đại trà nên được thực hiện sau năm 2021” – lãnh đạo EVN khuyến nghị.

Lo tái diễn quá tải

Với phương án một giá cố định cho điện mặt trời trên toàn quốc, Bộ Công thương nhận định chính sách giá sẽ đơn giản thay vì nhiều mức giá như đề xuất trước đó, cũng không cần hỗ trợ cao hơn cho các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Tuy nhiên, bộ này cũng cho rằng chính sách này sẽ kém khuyến khích các dự án ở miền Trung, miền Bắc.

Ngoài ra, do tập trung nhiều dự án ở vùng có tiềm năng bức xạ nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải, khả năng điều độ hệ thống truyền tải khó khăn và việc đền bù, giải phóng mặt bằng… cũng khó hơn.

Ông Park Changhwan – giám đốc Công ty CP Han&Han, nhà đầu tư điện mặt trời từ Hàn Quốc – cho biết nếu giá cố định điện mặt trời trên mặt đất chốt ở mức 7,09 cent/kWh sẽ khiến các nhà đầu tư chú ý hơn đến khu vực miền Nam thay vì miền Trung và miền Bắc, bởi đây là vùng có bức xạ cao hơn.