Phát minh mới về tế bào quang điện (Solar Cell)

Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho hay đã phát minh được một dạng tế bào năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới mà theo lý thuyết, có khả năng dán dính vào bất cứ bề mặt nào.

Tế bào quang năng

Chuyên gia Chi Hwan Lee của đại học trên cho hay nhóm của ông đã vượt qua thách thức lâu nay trong lĩnh vực điện mặt trời, đó là các tế bào năng lượng đều khô cứng, khiến luôn bị giới hạn dưới dạng các bảng năng lượng nặng nề.

Cụ thể, các tấm phim mỏng thường được cố định trên các bề mặt cứng làm từ hỗn hợp silicon và thủy tinh. Với phiên bản “lột và dán” của Đại học Stanford, bản phim tế bào quang năng mỏng và dẻo, giúp giảm chi phí cũng như làm nhẹ đi trọng lượng của bảng năng lượng, theo thông cáo báo chí trên website của Đại học Stanford.

Các nhà nghiên cứu cho hay đã dán dính thành công bản phim lên giấy, nhựa và cửa kính, trong số những bề mặt khác. Trên lý thuyết, tế bào năng lượng này có thể được đính lên bất cứ bề mặt nào bằng băng keo 2 mặt, nghĩa là bạn có thể đặt nó lên mũ bảo hộ, điện thoại di động, cửa sổ, các thiết bị điện tử cầm tay, mái nhà, quần áo…

Đức tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

Chính phủ Đức vừa cho biết việc nước này rút khỏi lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân để hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, bất chấp những lo ngại xung quanh vấn đề nguồn cung có thể thiếu hụt và chi phí gia tăng đối với người tiêu dùng.

Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí xây dựng ba hệ thống đường dây tải điện lớn, cũng như thúc đẩy những kế hoạch có thêm các toà nhà tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ Đức đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima xảy ra năm 2011 tại Nhật Bản và giảm sự phụ thuộc đối với nhiên liệu hoá thạch. Thay vào đó, Đức muốn các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió đáp ứng 35% nhu cầu năng lượng vào năm 2020 và tỷ trọng này có thế sẽ tăng lên 80% vào năm 2050.

Các chuyên gia nói rằng sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã có tiến triển, song cũng cảnh báo về việc cần mở rộng nhanh chóng các mạng lưới điện nhằm đảm bảo nguồn cung.

Trước đó, Nội các Đức đã phê chuẩn việc xây dựng ba hệ thống đường dây tải điện chính để chuyển năng lượng gió được sản xuất từ miền Bắc tới phía Tây và Nam nước Đức. Đồng thời thông qua một khoản ngân sách 300 triệu euro (398 triệu USD)/năm, cho một quỹ trị giá 1,8 tỷ euro nhằm cải thiện các toà nhà và đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Hồi tháng Mười, các nhà khai thác mạng lưới điện cho biết họ sẽ tăng giá điện tiêu dùng thêm gần 50% để hỗ trợ năng lượng tái tạo khi đất nước từng bước từ bỏ điện hạt nhân./.