Đề xuất phương án đàm phán giá mua điện tái tạo chuyển tiếp

Ngày 17/2/2023, Công ty mua bán điện (EVN- EPTC) đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc “Đề xuất phương án đàm phán giá điện với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp”.

Đối tượng đàm phán

EVN EPTC đề xuất đàm phán các nhà máy điện thỏa mãn các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 sẽ là đối tượng được thực hiện đàm phán giá điện. Cụ thể như sau: “Các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 và các nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước ngày 01 tháng 11 năm 2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá mua điện quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích, phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam.


Các nhà máy hoặc phần nhà máy này phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt. Trong trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cơ quan có thẩm quyền có thể rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.”

Đối với các NMĐ thuộc đối tượng chuyển tiếp cần cung cấp và đáp ứng các quy định:

Quyết định chủ trương đầu tư/ Chứng nhận đầu tư còn hiệu lực.

Có Thiết kế cơ sở, Thiết kế kỹ thuật được thẩm định và được phê duyệt theo quy định.

Giấy phép xây dựng còn hiệu lực và phù hợp.

Có Quyết định giao đất/Cho thuê đất của UBND tỉnh/Thành phố hợp lệ.

Đánh giá của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc giá về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án.

Nguyên tắc và trình tự đàm phán:

· Nguyên tắc đàm phán: Đối với các Nhà máy điện thỏa mãn các quy định tại mục 1 nêu trên, EVNEPTC đề xuất thực hiện đàm phán như sau:
Thực hiện Kế hoạch đàm phán, Đàm phán và ký tắt PPA với CĐT, Trình dự thảo PPA và ký kết PPA: thực hiện theo Quyết định số 1431/QĐ-EVN ngày 07/10/2022 về việc ban hành Quy trình đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán điện các dự án nhà máy điện.
Trường hợp sau 20 Ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện đàm phán mà EVNEPTC và CĐT chưa thống nhất được giá điện của dự án thì EVNEPTC sẽ làm văn bản báo cáo EVN để xem xét và chỉ đạo thực hiện.

· Trình tự đàm phán: thực hiện đàm phán theo thứ tự các Nhà máy điện nộp đầy đủ hồ sơ đàm phán trên trang web http://www.ppa.evn.com.vn.

Phương pháp đàm phán:

EVNEPTC đề xuất thực hiện đàm phán giá điện các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp theo phương pháp hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ bao gồm 02 thành phần: giá cố định và giá
vận hành và bảo dưỡng (tương tự các nhà máy thủy điện).

Đối với thông số đầu vào tính toán giá điện, EVNEPTC đề xuất xác định các thông số đầu cụ thể như sau:
Tổng mức đầu tư: là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án bao gồm cả chi phí đặc thù được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thiết kế cơ sở.
Các thông số tài chính: xác định theo thực tế vay, đã giải ngân tại thời điểm hiện tại và có so sánh với cơ cấu vốn vay trong thiết kế cơ sở.
Sản lượng điện tính toán: là sản lượng lớn nhất trong hồ sơ thiết kế cơ sở và hồ sơ thiết kế kỹ thuật (nếu có).
Đời sống kinh tế, thời hạn áp dụng giá điện, thời hạn Hợp đồng mua bán điện: 20 năm.
Chi phí O&M: áp dụng tỷ lệ theo Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 và tính toán trên chi phí Xây dựng và Thiết bị.
Khấu hao tài sản cố định, thuế thu nhập doanh nghiệp: áp dụng quy định hiện hành.
Các thông số tính toán còn lại: sử dụng tính toán theo Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022.

Các thông số đầu vào: IRR, trần lãi vay nội tệ, ngoại tệ trong giai đoạn vận hành, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/TMĐT, tổng vốn vay: EVNEPTC thực hiện đàm phán áp dụng nguyên tắc tại văn bản số 2941/EVN-TTĐ+TCKT ngày 28/5/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đối với các Nhà máy điện đã COD một phần Nhà máy điện: kiến nghị đàm phán và tính toán giá điện với các thông số đầu vào tính toán của cả Nhà máy điện để áp dụng giá điện đối với phần Nhà máy điện chưa có giá điện.

Hợp đồng mua bán điện

EVNEPTC đề xuất sửa đổi Hợp đồng mua bán điện hiện hữu trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, với một số quy định chính như sau:
Sửa đổi điều khoản về Giá mua điện: trong đó đề nghị thời hạn giá điện áp dụng là 20 năm kể từ ngày COD của phần nhà máy điện/ nhà máy điện.
Sửa đổi điều khoản liên quan đến trách nhiệm của Bên mua về việc mua hết hết sản lượng điện đối với các nhà máy điện này.
Thời hạn hợp đồng: 20 năm kể từ ngày COD của Nhà máy điện – kiến nghị giữ nguyên như thời hạn hợp đồng tại các PPA hiện hữu.
Sửa đổi công thức thanh toán tiền điện để phù hợp với Giá mua điện của Nhà máy điện chuyển tiếp.
Sửa đổi phương thức giao nhận điện đối với các Nhà máy điện đã COD một phần Nhà máy điện.
Bổ sung vào Phụ lục F/G liên quan đến “Các thỏa thuận khác” nội dung Bên bán điện cam kết:

“Trong trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận Ngày vận hành thương mại, ngừng mua điện và yêu cầu Bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà Bên mua điện đã thanh toán cho Bên bán điện tính từ Ngày vận hành thương mại, bao gồm cả tiền lãi (nếu có). Bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, hủy bỏ ngày vận hành thương mại và hoàn trả Bên mua điện toàn bộ tiền điện mà Bên mua điện đã thanh toán cho Bên bán điện tính từ Ngày vận hành.

Việc đàm phán giá điện các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp dự kiến thời gian đàm phán sẽ kéo dài do chưa có quy định cụ thể và có nhiều dự án đàm phán trong cùng một thời điểm. Trường hợp trong quá trình đàm phán, có những dự án đề xuất tạm áp dụng giá điện không lớn hơn 50% so với giá trần của khung giá phát theo quy định của Bộ Công Thương cho phần Nhà máy điện chuyển tiếp, để có thể huy động nhằm giảm chi phí mua điện và tránh lãng phí, EVNEPTC đề nghị cho phép được thống nhất, ký tắt dự thảo Hợp đồng sửa đổi bổ sung về giá điện và báo cáo EVN để thực hiện ký kết. Giai đoạn áp dụng là đến khi hai bên thỏa thuận và thống nhất giá điện và ký kết hợp đồng sửa đổi bổ sung với giá điện chính thức của dự án/phần dự án nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2023. Giá điện chính thức sẽ được tính cho toàn nhà máy và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm. Sau khi hoàn thành công tác đàm phán, giá điện chính thức của một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện sẽ áp dụng từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 25/2/2023 

Để đảm bảo yêu cầu thẩm định, trình duyệt theo các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã vừa đề Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nhiều yêu cầu.

Trước đó, ngày 10/2/2022, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 -20230, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) với sự tham gia của một số bộ ngành.

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Quy hoạch Điện VIII phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trong thời kỳ quy hoạch và những năm tiếp theo; có các biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh có nhiều biến động trong ngành năng lượng do các vấn đề địa chính trị, địa kinh tế diễn ra trên thế giới và phát triển rất nhanh chóng của công nghệ trong ngành năng lượng, nhất là với nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ Công thương cũng phải bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thức hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh như kết luận của Thường trực Chính phủ; định hướng nguồn phân tán cùng với hạ tầng truyền tải; quy hoạch tránh quá chi tiết, nhiều tầm nhìn; sau Quy hoạch cần triển khai chi tiết kế hoạch, dự án năng lượng.

Phải bảo đảm cơ cấu các nguồn điện theo đúng chủ trương đường lối của Đảng về phát triển năng lượng, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và cân đối cung – cầu các vùng miền tối ưu, hợp lý để giảm khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải, giảm tổn thất điện năng và có giá điện hợp lý nhất.

Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh để phát huy hiệu quả của hệ thống điện tích hợp các nguồn điện truyền thống chạy nền và các nguồn điện năng lượng tái tạo; tính toán hoàn thiện thêm các nội dung liên quan đến nguồn điện tự sản tự tiêu, bán điện tại chỗ, mua bán điện trực tiếp theo tình thẩn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc tổng thể của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Cần có dự báo kỹ hơn về xu thế phát triển công nghệ trong ngành năng lượng, lộ trình sản xuất hydrogen, amoniac xanh trên thế giới và ở nước ta để tính toán hoàn thiện Quy hoạch điện VIII; nghiên cứu biện pháp quản lý chủ động, hiệu quả để khuyến khích phát triển hợp lý năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu – sản xuất năng lượng tái tạo xuất khẩu – xuất khẩu năng lượng, nhiên liệu sạch và khuyến khích hợp lý khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch khi có công nghệ phù hợp, phải coi việc thức hiện chuyển đổi năng lượng công bằng đã ký kết như là một giải pháp thực hiện quy hoạch; tiếp tục rà soát quy hoạch thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ hợp lý gắn với phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo làm rõ cơ sở đưa nguồn điện tái tạo từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch điện VIII; cần phân tích làm rõ hiệu quả kinh tế – xã hội, tính khả thi, phải đảm bảo đầu tư đồng bộ hạ tầng truyền tải, cân đối nguồn, đánh giá tác động kinh tế – xã hội – pháp lý và cũng cần phân tích rõ nếu không hiểu quả kinh tế thì không đưa vào quy hoạch.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng được yêu cầu bổ sung giải trình số liệu điện mặt trời trong Quy hoạch với số liệu Thanh tra Chính phủ nêu (có khác), chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.

Đồng thời bổ sung báo cáo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến nội dung làm việc với các đối tác liên quan khi rà soát quy hoạch một số nguồn điện than đã có quy hoạch và đang triển khai.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 25/2/2023 để xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước khi đưa ra Hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII.