Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong 5 năm tới

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/điện mặt trời mái nhà lớn nhất, lên đến hàng nghìn MW.

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đang hoàn thiện báo cáo giải trình các ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 91/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo báo cáo trên, Viện Năng lượng đã đề cập tới rà soát, đánh giá về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia hiện nay, khả năng cung ứng điện và đặc biệt, Viện này cho biết, nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo trong 5 năm tới.

Báo cáo từ Viện Năng lượng cho hay: đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện khoảng 69 GW (bao gồm điện mặt trời áp mái); trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21 GW; thủy điện khoảng 21 GW; tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9 GW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời áp mái) khoảng 17 GW; điện gió, điện sinh khối và nhập khẩu có công suất dưới 1 GW mỗi loại.


Giai đoạn 2011-2020, tổng công suất đặt nguồn điện tăng với tốc độ trung bình 12,9%/năm. Trong các nguồn điện truyền thống, nhiệt điện than tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ trung bình 18%/năm, tiếp đến là công suất nguồn thủy điện tăng với tốc độ 9,2%/năm.


Bên cạnh các nguồn truyền thống, nguồn điện mặt trời và điện mặt trời áp mái cũng có sự tăng trưởng đột ngột trong các năm 2019-2020. Từ mức không đáng kể đầu năm 2018, hiện tại, cơ cấu của nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) đã chiếm gần 26% tổng công suất đặt của nguồn điện. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 – 2020.


Đánh giá của Viện Năng lượng cho hay, do tác động của cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, các dự án điện gió và mặt trời đã phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567 MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất). Các nguồn điện này phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An…


Hiện nay, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến năm 2025 khoảng 25.500 MW (chưa bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà), gồm 13.900 MW điện mặt trời trang trại và 11.500 MW điện gió. Như vậy còn lại khoảng 5.000 MW điện mặt trời và 6.144 MW điện gió đã phê duyệt quy hoạch nhưng không kịp đưa vào vận hành trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin cụ thể về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn sau tháng 10/2021 nên tiến độ các nguồn này còn nhiều rủi ro. Các loại hình năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng có thời gian đầu tư xây dựng ngắn hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Hơn nữa, các nguồn điện này có nhiều đặc tính vận hành khác biệt với các nguồn điện truyền thống như: tính bất định cao, chế độ vận hành phụ thuộc vào thời tiết, không đóng góp cho quán tính hệ thống và điều tần sơ cấp…


Do vậy, sự gia tăng đột biến của loại hình nguồn điện này dẫn đến nhiều vấn đề trong vận hành hệ thống điện như: đầy tải, quá tải cục bộ, sụt giảm quán tính hệ thống, tăng số lần khởi động và yêu cầu điều chỉnh công suất các nhà máy nhiệt điện… Một trong những hệ quả trực tiếp của các vấn đề này là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh.


Năm 2021, theo dự kiến của EVN, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này). Trong 3 tháng đầu năm 2021, điều độ quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/điện mặt trời mái nhà lớn nhất, lên đến hàng nghìn MW.


Theo các báo cáo của EVN về tình hình phát triển điện gió và tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 thì tới cuối năm 2021 tổng công suất điện gió có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 5.400 MW, điện mặt trời tập trung vận hành thêm khoảng 300 MW, nhiệt điện than khoảng 3.000 MW (Hải Dương 2 là 600 MW, Sông Hậu 1 là 1.200 MW, Duyên Hải 2 là 1.200 MW). Tổng công suất đặt của hệ thống điện cuối năm 2021 vào khoảng gần 80 GW. Như vậy, điện gió và điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống.
Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm.


Nguyên nhân được chỉ ra là do sự quá tải lưới nội vùng 220/110 kV Trung, Nam (khu vực các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An); quá giới hạn truyền tải cung đoạn Nho Quan – Nghi Sơn – Hà Tĩnh. Bên cạnh đó là nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống (sau khi đã tiết giảm năng lượng tái tạo do quá tải nội vùng và quá tải truyền tải 500 kV mà vẫn còn thừa nguồn) trong thời điểm thấp điểm trưa ngày nghỉ.
Báo cáo trên chỉ ra, việc cắt giảm công suất là không thể tránh khỏi với các hệ thống điện có tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo của các nước có sự khác biệt nhất định, do khác nhau về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn, phân bổ nguồn tải, thị trường điện, độ hoàn thiện của hạ tầng lưới điện truyền tải,  phân phối…


Theo báo cáo tính toán của cơ quan Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), tổng sản lượng điện cắt giảm 06 tháng cuối năm 2021 có thể lên tới 1,7 tỷ kWh. Trong giai đoạn tháng 7-9/2021, mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 2.800/6.500 MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường/cuối tuần, sản lượng cắt dự kiến trong mỗi tháng là 210 triệu kWh.Vào giai đoạn tháng 10-12/2021, đây là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500 kV cùng với thừa nguồn trên hệ thống trong ngày thường/chủ nhật có thể lên tới 7.500 MW/11.500 MW. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 378 triệu kWh.

Ngoài ra, do tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống ở mức cao nên ngoài các vấn đề về quá tải và thừa nguồn sẽ phát sinh một số vấn đề trong công tác vận hành hệ thống như: Phải ngừng, khởi động, thay đổi công suất phát tổ máy nhiệt điện nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ an toàn của các tổ máy và phát sinh thêm nhiều chi phí vận hành; vấn đề chất lượng điện năng trên hệ thống điện, nhất là vấn đề về sóng hài và độ nhấp nháy điện áp. Cuối cùng là nhu cầu dự phòng công suất tăng cao để đáp ứng với sự thay đổi công suất của các nguồn năng lượng tái tạo giữa các thời điểm…/.

Theo TTXVN

Doanh nghiệp nước ngoài mua lại các dự án điện mặt trời đã vận hành

Việt Nam, một hiện tượng toàn cầu về phát triển năng lượng tái tạo, chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên lọt top đầu khu vực về năng lượng tái tạo mà trọng điểm là điện mặt trời.  Và trong lĩnh vực này, người ta đang chứng kiến hiện tượng hàng loạt dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung bán vốn cho nước ngoài.

Người trong giới có lẽ đã quen với những cái tên nhà đầu tư nước ngoài Jormsup Lochaya hay ông Chaphamon Chantarapong Phan là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của một loạt doanh nghiệp năng lượng ở Việt Nam như Công ty CP SSE Việt Nam 1, SSEBP3, SSE LN2, Công ty CP Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên, điện mặt trời Văn Giáo, Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu, ASIA Energy, Công ty TNHH Năng lượng Everich Bình Thuận, Công ty CP Nhà máy năng lượng mặt trời Văn Giáo. Các công ty này thực hiện loạt dự án ở Phú Yên, Bạc Liêu, An Giang, Đắk Nông, Bình Thuận.

Những công ty này thuộc quyền chi phối của Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) sau khi đã mua phần lớn cổ phần tại các dự án.

Xây rồi bán, điện mặt trời đồng loạt rơi vào tay nước ngoài-1

Một cái tên khác, bà Napatpawankwan Apitedsurathan (quốc tịch Thái Lan) là người đại diện theo pháp luật của một loạt công ty về điện tái tạo như Gulf Energy Việt Nam, Gulf Tây Ninh 1, Gulf Tây Ninh 2, điện gió Mê Kông. Các công ty này sở hữu nhiều nhà máy điện mặt trời lớn hàng đầu cả nước, nhất là sau khi tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development mua lại hầu hết cổ phần từ nhà đầu tư Thành Thành Công.

Từ giữa năm 2018 đến nay, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành mua lại cổ phần chi phối của nhiều dự án điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam. Hàng nghìn MW điện mặt trời, điện gió đã được các nhà đầu tư “ngoại” sở hữu. Không chỉ nhà đầu tư Thái Lan, các đối tác từ Ả Rập Xê Út, Philippines , Nhật Bản cũng sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều dự án điện tái tạo Việt Nam.

Thông thường, đa số các dự án sau khi được DN Việt Nam làm thủ tục, đầu tư, rồi khi hoàn thành được bán cổ phần chi phối cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần ngay khi làm xong thủ tục. Tuy nhiên, vẫn có số ít các nhà đầu tư trong nước giữ lại quyền quyết định của mình trong các dự án. Trước làn sóng dự án điện mặt trời, điện gió rầm rộ được chuyển nhượng cổ phần chi phối cho nhà đầu tư ngoại, thì có DN vẫn đang rất thận trọng khi bán vốn.

Bán để xoay tiền làm dự án khác

Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã quyết định chuyển nhượng 49% cổ phần tại dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW cho đối tác ACIT. Tiếp đó, ngày 14/5, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE), thuộc Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) và theo đó đối tác Nhật sở hữu 35,1% cổ phần tại Nhà máy điện gió Trung Nam.

Xây rồi bán, điện mặt trời đồng loạt rơi vào tay nước ngoài-2Trong khi đó, sau làn sóng bán vốn điện mặt trời, việc bán vốn các dự án điện gió đang được đầu tư mạnh mẽ cũng sẽ nở rộ. Vì sao các dự án điện mặt trời phải bán vốn và hấp dẫn khi hút được nhà đầu tư bỏ tiền vào mua lại cổ phần sau khi nhà máy vận hành?

Đại diện Bộ Công Thương giải thích: Thực tế, các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương.

Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục… tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy… Kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ. Điều này cũng giúp giảm chi phí vận hành chung cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một chuyên gia về năng lượng cho biết: Năng lực tài chính của hầu hết nhà đầu tư trong nước đều hạn chế, việc thực hiện dự án dựa vào vốn vay ngân hàng. Bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng làm dự án, nhiều nhà đầu tư cạn vốn khi muốn làm dự án khác. Cho nên, để xoay vòng vốn, họ phải bán phần lớn cổ phần hoặc bán một phần cổ phần bởi vay ngân hàng vừa khó, lãi suất vừa cao. Điều này có thể thấy ở hầu khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế khi doanh nghiệp muốn huy động vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh.

“Chúng tôi chỉ bán cổ phần khi có dự án mới để phát triển. Nếu chưa có dự án mới thì chưa bán”, Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam chia sẻ.

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện EVN cho biết, dưới góc độ DN, đó là việc thay đổi cổ đông hoặc tỷ lệ sở hữu trong DN đó. Việc chuyển nhượng này là quyền của các cổ đông theo Luật doanh nghiệp. Như vậy, bản chất là chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần 1 dự án năng lượng không chỉ bán lấy tiền mà còn đòi hỏi hài hoà lợi ích DN lâu dài và cả nền kinh tế vì thế nhà đầu tư cần chọn các đối tác có năng lực tài chính mạnh, hoạt động trong ngành lĩnh vực có thể giúp cho nhà đầu tư Việt nâng cao khả năng về quản trị, công nghệ khi tiến hành các dự án mới.

Cân bằng kiểm soát và phát triển

Năng lượng là 1 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng và ổn định kinh tế xã hội. Vì thế, hiện tượng bán vốn chi phối cho đối tác ngoại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi.

Xây rồi bán, điện mặt trời đồng loạt rơi vào tay nước ngoài-3

Thực tế, dù công suất lắp đặt của điện gió, điện mặt trời lên đến hơn 20.000MW, chiếm 30% công suất lắp đặt toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện từ nguồn này cũng chỉ chiếm 12%. Về cơ bản, nguồn cung hệ thống điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hoàn toàn đủ năng lực để kiểm soát được tình hình. Từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu nhiều dự án điện BOT với công suất hàng nghìn MW, nhưng an ninh năng lượng vẫn được đảm bảo. Cho nên lo ngại về an ninh năng lượng đặt ra dù cần thiết song chưa phải quá lo ngại.

Một nhà đầu tư cho biết, từ khâu đầu tư dự án, cho đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và tỉnh phải lấy ý kiến của các cơ quan Trung ương, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có Bộ Quốc phòng. Chỉ khi các yếu tố an ninh, kinh tế – xã hội… được đảm bảo thì việc chuyển nhượng mới được tiến hành.

Bộ Công Thương cũng bày tỏ quan điểm rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông… do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Việc chuyển nhượng cổ phần dự án năng lượng tái tạo nên được thực hiện trên tinh thần nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng sau một thời gian nhất định; nước chủ nhà được quyền ưu tiên mua lại dự án; và Nhà nước Việt Nam có quyền từ chối đối tượng được nhà đầu tư chọn chuyển nhượng dự án, nếu đối tượng đó không đủ năng lực hoặc có nguy cơ gây phương hại cho an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Từ phía DN, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam khẳng định: DN không bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ không bao giờ bán cho những đối tác có vốn không rõ ràng. Nhiều đối tác như Philippines, Thái Lan, Hồng Kông từng đặt vấn đề mua cổ phần nhưng chúng tôi từ chối hết. Một là bán cho chính các DN Việt Nam, hai là bán cho tập đoàn Nhật hay châu Âu hoặc những DN có nền tảng lịch sử tốt quy mô toàn cầu.

Theo báo điện tử Vietnamnet