Điện mặt trời bị cắt giảm công suất phát điện, các ngân hàng phản ứng ra sao?

Trong khi các doanh nghiệp “khóc ròng” khi hàng loạt dự án điện bị cắt giảm công suất, gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Ngân hàng – chủ nợ chính của các dự án điện mặt trời được cảnh báo rủi ro.

Theo EVN, sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỷ KWh (trong đó điện mái nhà là 1,15 tỷ KWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Trong năm 2020, EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Trong năm 2021, bên cạnh khó khăn do đường truyền tải, công suất điện mặt trời hiện vượt quá nhu cầu, đặc biệt vào buổi trưa khi bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày nhưng lại là thấp điểm về nhu cầu sử dụng điện. EVN dự kiến cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021.

Tiết giảm phát điện, doanh nghiệp khóc ròng vì điện mặt trời

Nhà đầu tư một dự án điện mặt trời tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết, mấy tháng nay “khóc ròng” vì điện phát lên lưới bị bên mua là điện lực địa phương cắt luân phiên.

Do việc giảm phát điện, nguồn thu của doanh nghiệp này giảm 20% so với thời điểm được phát 100% lên lưới, khiến họ phải “cắn răng” bỏ thêm tiền túi để trả nợ ngân hàng.

“Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, nguy cơ mất khả năng trả nợ ngân hàng là rất lớn”, doanh nghiệp này cho hay.

Theo tính toán, với 70% vốn vay ngân hàng, phía cho vay căn cứ vào hiệu quả của dự án dựa trên lượng bức xạ, số giờ nắng, dự kiến sản lượng điện… để thẩm định và quyết định thời gian trả nợ của doanh nghiệp là 7 năm.

Theo đó, trong trường hợp được phát hết 100% công suất, đến năm thứ 8 trở đi, doanh nghiệp mới “sạch nợ” và bước vào giai đoạn thu hồi 30% vốn đối ứng.

“Cắt giảm phát điện khiến kế hoạch trả nợ của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, nếu không cầm cự được lâu dài thì khả năng phát sinh nợ xấu là rất lớn”, chủ doanh nghiệp này lo lắng.

Hay như trường hợp của Trung Nam Group, doanh nghiệp này đã gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì “nguy cơ không trả được nợ hiện hữu”

Trong văn bản kiến nghị, Tập đoàn này cho hay phải vay vốn nhiều ngân hàng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và nguồn trả nợ duy nhất là từ doanh thu bán điện. Tuy nhiên, do bị cắt giảm công suất thường xuyên, nên việc trả nợ đang gặp khó khăn.

Ngân hàng “nhấp nhổm” ngại rủi ro?

Không chỉ 2 trường hợp kể trên rơi vào tình trạng khó khăn vì vay nợ ngân hàng đầu tư điện mặt trời. Thực tế, đặt kỳ vọng vào biên độ lợi nhuận gộp cao ngất ngưởng cộng thêm vô vàn ưu đãi về thuế, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời.

Đáng nói, điểm chung của các doanh nghiệp này là sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, dựa tới 70-80% vào nguồn vốn huy động từ ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với nguồn từ trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, số vốn trái phiếu huy động cho những dự án điện mặt trời tăng vọt từ 8.400 tỷ đồng năm 2019 lên 30.000 tỷ đồng năm 2020.

Như vậy, mức tăng trưởng vốn trái phiếu huy động cho những dự án điện mặt trời đã tăng tới 254% chỉ trong vòng 1 năm.

Trong đó, không ít trái chủ của các dự án điện mặt trời chính là các ngân hàng. Đơn cử như các dự án của Trung Nam Group. Phần lớn đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp này năm 2020 (gần 6.400 tỷ đồng) đều được MB thu xếp và làm trái chủ.

Tương tự, nhiều đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Xuân Thiện có bóng dáng của SHB. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng khác như VietinBank, TBank, SCB… cũng tham gia cho vay hoặc đầu tư lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời.

Về tín dụng ngân hàng, việc cho vay đối với các dự án điện mặt trời không nằm trong danh mục bị hạn chế, thậm chí còn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích cho vay, bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo (tín dụng xanh).

Vì vậy, thời gian qua nhiều ngân hàng đã thiết kế gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này, với lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tài trợ vốn từ 70-85% tổng dự án, lãi suất giảm sâu tới 2%/năm so với mức lãi suất hiện hành

Ví dụ, ngân hàng Bản Việt có gói tín dụng 950 tỷ đồng ưu tiên cho các dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời; Sacombank có chương trình cho vay dự án điện mặt trời với lãi suất ưu đãi 8,5%/năm trong năm đầu, thời gian vay tối đa 8 năm.

Tương tự, TPBank còn thiết kế riêng gói tín dụng “Tài trợ dự án điện mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp”. Đáng chú ý, với gói tín dụng này, TPBank nhận chính hệ thống hiện mặt trời mái nhà làm tài sản bảo đảm cho khoản vay mà không yêu cầu bổ sung thêm bất cứ bất động sản nào khác.

Ngoài ra, còn hàng loạt ngân hàng khác như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, SHB, HDBank, OCB… cũng cam kết cho vay các dự án điện mặt trời.

Có thể nói, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của ngân hàng đã và đang chảy vào các dự án điện mặt trời. Hơn nữa, nguồn tín dụng này chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn.

“Nếu các doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ, tín dụng điện mặt trời có thể rơi vào vết xe đổ như tín dụng dự án BOT giao thông. Vì vậy, trước việc doanh nghiệp “kêu cứu” vì khả năng không trả được nợ hiện hữu, thì bản thân các ngân hàng cũng đang “nhấp nhổm” lo ngại nợ xấu từ các dự án này”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Dù vậy, đến nay chất lượng tín dụng các dự án điện mặt trời chưa xuất hiện dấu hiệu gì đáng ngại, mới dừng ở mức độ cần lưu ý chứ chưa đến mức cảnh báo.

Đồng thời khuyến nghị, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh: Ngân hàng trước khi cho vay đều thẩm định rất kỹ tính khả thi của dự án, chỉ cho vay các dự án điện mặt trời có trong quy hoạch.

Về phía NHNN, hiện nay NHNN chưa đưa ra cảnh báo nào về tín dụng điện mặt trời. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.

Bộ Công Thương lý giải việc cắt giảm các nhà máy điện tái tạo

Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL ngày 9/3/2021 gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về tình hình vận hành hệ thống điện khi thừa nguồn và quá tải lưới truyền tải điện liên kết trong thời gian qua.

Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn NLTT, đặc biệt là điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT có nhiều tiềm năng ở nước ta.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn NLTT tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hàng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Theo Bộ Công Thương, đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao (thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia) nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.

Mặc dù Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn NLTT để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sông nhân dân trên cả nước.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0. Trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ. 

Đồng thời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT (ngày 9/2/2021) về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn NLTT trong hệ thống điện.

Bộ Công Thương cho rằng việc cắt giảm các nhà máy NLTT là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện, việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT. 

Đồng thời Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc và thường xuyên giám sát EVN và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện nhằm đảm bảo giải tỏa công suất của các nguồn NLTT, hạn chế tối đa việc cắt giảm các nguồn NLTT, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT, đảm bảo lợi ích và niềm tin của nhà đầu tư.