Nga thúc đẩy chương trình “một triệu mái nhà điện mặt trời”

Bộ Năng lượng Nga đang tiến hành xây dựng và triển khai chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga”.

 

Chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga” nằm trong khuôn khổ chính sách ủng hộ sản xuất điện “xanh” mini công suất dưới 15 kW đã được chính phủ phê chuẩn trong năm qua.

Trong chương trình, các tấm thu năng lượng Mặt Trời sẽ được lắp đặt trên mái các tòa nhà. Các tấm năng lượng này chiếm khoảng 25-30% diện tích mái của tòa nhà tổng diện tích 150-200 m2, được “hòa mạng” với mạng lưới cấp điện chung qua các đồng hồ đo điện và bộ hòa lưới, công suất tối đa có thể đạt tới 3,5 kW. Lượng điện sản xuất ra dao động tùy theo các vùng, ví dụ tại thủ đô Moskva có thể đạt 1.100 kWh một năm, còn tại thành phố ven biển miền Nam nhiều nắng Anapa có thể đạt 1.682 kWh mỗi năm.

Giám đốc dự án Kirsanov cho biết chương trình “Một triệu mái nhà Mặt Trời tại Nga” không đòi hỏi hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Chương trình hoạt động theo nguyên tắc “thu bù chi”, lượng điện Mặt Trời dư thừa từ tiêu thụ gia đình sẽ được bán cho nhà cung cấp. Như vậy, khi lượng điện mua và bán trong tháng cân bằng nhau, chủ sở hữu ngôi nhà và công ty cung cấp điện sẽ không phải chi trả gì cho nhau.

Thêm vào đó, người tham gia chương trình sẽ được hưởng ưu đãi thuế nếu sử dụng thiết bị sản xuất trong nước, được đơn giản hóa thủ tục “hòa mạng điện” cũng như quy định đo lượng điện sản xuất ra và được hòa mạng.

Theo tính toán của giới khoa học, chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga” cho phép tăng tỷ trọng năng lượng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm 1,5%, nhờ đó tăng GDP thêm 0,3%, giảm 2,84 triệu tấn khí thải và tạo ra 100.000 việc làm mới.

Hiện tại, tổng lượng điện tiêu thụ tại Nga đạt 1.059,5 tỷ kWh năm 2017, tăng 0,5% so với năm trước đó. Trong cơ cấu sản xuất năng lượng điện, nhiệt điện chiếm đa số với 611,3 tỷ kWh; thủy điện (178,9 tỷ kWh); điện nguyên tử (202,6 tỷ kWh) …

Theo Tân Hằng – PV TTXVN tại Nga đưa tin.

Rủi ro “xí phần” đất để làm dự án năng lượng tái tạo

Thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đang nóng lên nhanh chóng trong hai năm gần đây. Liên tục các sự kiện xúc tiến đầu tư và số lượng dự án được công bố, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các nhà đầu tư trong nước. Theo báo cáo cập nhật gần đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ – USAID, đến năm 2017, chỉ riêng điện mặt trời đã có hơn 100 dự án mới tham gia thị trường, trong đó riêng Bình Thuận có hơn 70 dự án.

Dù việc cấp phép vẫn hoàn toàn đúng quy trình – có kiểm tra, có đánh giá năng lực và mục đích của nhà đầu tư – nhưng số lượng dự án “đầu cơ” vẫn lớn hơn nhiều so với dự án “đầu tư” thực sự!

Thực trạng này rõ ràng làm thiệt hại đến thị trường nói chung và những doanh nghiệp muốn đầu tư chân chính nói riêng. Bởi khi những “dự án đẹp” đã bị “xí phần”, họ buộc phải mua lại với chi phí cao hơn. Thị trường do đó phải gánh chịu chi phí trung gian không cần thiết.

Minh bạch hóa thông tin trên thị trường, trong đó bao gồm minh bạch hóa quy hoạch, quy trình cấp phép và minh bạch hóa thông tin giám sát thực thi, do đó là yêu cầu cần thiết để thị trường vận hành hiệu quả hơn. Nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ cho thị trường năng lượng tái tạo phụ thuộc khá lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố minh bạch càng phải được đặt lên hàng đầu.

Tiềm ẩn rủi ro đất đai

Đất đai là vấn đề tiếp theo có thể tiềm ẩn những rủi ro dẫn tới xung đột. Trong các loại hình năng lượng tái tạo, điện mặt trời lẫn điện gió đều sử dụng một diện tích đất đáng kể. Ví dụ, quy hoạch vùng tiềm năng dành cho điện gió của tỉnh Bến Tre chiếm tới 16,95% diện tích của tỉnh; Cà Mau chiếm 16,91%; Sóc Trăng chiếm 11,58%. Vì vậy, quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi cho năng lượng sẽ là rất đáng kể.

Nếu cách thức thu hồi đất vẫn được thực hiện như thông lệ phổ biến hiện nay, tức tỉnh đứng ra thu hồi đất và giao cho nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư trực tiếp thương lượng để nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất từ người dân, thì rủi ro sẽ là rất lớn. Do giá đất (quyền sử dụng đất) nông nghiệp vẫn còn khá rẻ, các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại tìm cách “vẽ” dự án rồi thông qua chính quyền địa phương để giành đất, giữ chỗ như vừa phân tích ở trên. Thiệt hại kép sẽ thuộc về những doanh nghiệp chân chính lẫn người dân. Người dân không được chuyển nhượng đất nông nghiệp theo giá thị trường một cách công bằng; trong khi đó, những doanh nghiệp đầu tư đích thực cũng khó tiếp cận được quỹ đất và vị trí đất cần thiết với chi phí hợp lý.

Lời giải cho vấn đề này nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất, minh bạch thông tin và giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký đầu tư lẫn cấp phép của cơ quan quản lý. Và thứ hai, quan trọng hơn, việc thực hiện chuyển đổi đất đai từ người dân sang doanh nghiệp phải bắt buộc phải có sự đồng ý của chính quyền, không để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân, dẫn đến tính trạng đẩy giá thu hồi đất lên rất cao, dự án mất tính khả thi.

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân được duy trì xấp xỉ hơn 6%/năm cùng việc nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế tăng gấp đôi tốc độ tăng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam là đặc biệt cao, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Sự bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời, vì thế là tín hiệu đáng lạc quan xét trong bối cảnh thủy điện đã chạm đến tiềm năng khai thác tối ưu và nhiệt điện than gây ra chi phí quá lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để thị trường năng lượng tái tạo có thể phát triển lành mạnh, năng lực quản trị, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin, cần phải gấp rút được giải quyết.

Theo báo Xã Luận