Bát nháo điện mặt trời: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương vào cuộc

Thủ tướng vừa chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung phản ánh “Bát nháo điện mặt trời ở Tây Nguyên” vừa đăng tải trên báo Tiền Phong đến Bộ Công Thương xử lý.

Trong công văn ngày 26/11, có đoạn “báo Tiền Phong ngày 11/11/2020 phản ánh: Tại Tây Nguyên, điện năng lượng mặt trời áp mái nhà dưới 1MW được triển khai tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã chuyển phản ánh trên của báo Tiền phong đến Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết”.

Như báo Tiền Phong đã đưa tin, điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái nhà dưới 1MW được triển khai tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ ở Tây Nguyên.

Tại Đắk Lắk nhiều dự án NLMT được Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) cấp phép đấu nối tràn lan, nhưng việc kiểm tra, giám sát đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ chưa được cơ quan nào triển khai, giám sát.

Điển hình tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột, hàng loạt dự án NLMT trá hình dưới vỏ bọc “nông nghiệp công nghệ cao”.

Trước thực trạng này, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát và xử lý các trường hợp sai phạm liên quan đến việc lắp đặp tấm pin mặt trời áp mái không đúng quy định.

Theo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, thời gian qua có một số tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp chưa đúng quy định về tiêu chí kinh tế trang trại; sử dụng đất sai mục đích, lắp đặt hệ thống tấm pin NLMT chưa đúng theo Quy định số 13/2020/QĐ-TTg.

Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong về nguy cơ các dự án NLMT để xảy ra mất an toàn về cháy nổ, lãnh đạo PC Đắk Lắk cho biết, trách nhiệm này của chủ đầu tư thỏa thuận với các cơ quan chức năng khác (Phòng cháy chữa cháy; chính quyền các cấp…).

Ông Hà Văn Chương, Phó giám đốc PC Đắk Lắk cho biết, hiện có nhiều trạm biến áp, đường dây không có khả năng đấu nối điện năng lượng mặt trời áp mái nhà dưới 1MW (NLMT) do không giải tỏa được công suất.

Cụ thể, có 71 phần lưới điện trung áp và gần 4.000 điện lưới hạ áp không còn khả năng đấu nối. Trong khi đó, hàng loạt dự án NMLT đã và đang triển khai, chưa có tổ chức, cá nhân nào liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được hưởng dẫn, lắp đặt các hệ thống phòng chống cháy nổ.

Trước đây tại Gia Lai đã xảy ra vụ cháy pin NLMT tại nhà xưởng của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (Cụm Công nghiệp Diên Phú, xã Diên Phú, TP. Pleiku). Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) xác định về nguyên nhân của vụ cháy này, do lỗi hệ thống, thiết bị điện. Cụ thể, mối nối của các dây dẫn từ các tấm pin đến bộ phận xử lý inverter chưa đảm bảo, dẫn đến thoát nhiệt gây phóng điện và cháy. Đây là lỗi xảy ra trong quá trình lắp đặt cũng như thiết bị không đảm bảo chất lượng.

Nhóm PV Tây Nguyên – Báo Tiền Phong

Điện mặt trời cần thêm “đòn bẩy” để bay cao

Mức độ tăng trưởng của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam được xem là “hiện tượng” so với khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, cần thêm “đòn bẩy” hỗ trợ vững chắc nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư trong lĩnh vực còn mới mẻ này.

Điện chờ sẵn trên mái nhà

Trước sự suy giảm của nguồn năng lượng hóa thạch, điện mặt trời mở ra một thị trường đầy tiềm năng trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam những năm qua, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. 

Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng đã sẵn, cần thêm đòn bẩy - 1
Mái nhà ở Vịệt Nam chứa nguồn năng lượng hữu ích khổng lồ

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, Việt Nam có thể phát triển khoảng 386GW điện mặt trời quy mô lớn, tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo EVN, tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc lên tới 48GW, trong đó chủ yếu nằm ở khu vực miền Nam 22GW.

Đến hết năm 2019, công suất lắp đặt ĐMTMN toàn quốc đạt 340MWp, đến tháng 10/2020 là 2.024MWp. Chỉ riêng tháng 10 vừa qua, công suất lắp đặt đạt 481,7MWp từ 8.744 hệ thống được lắp mới. 

Bà Vũ Chi Mai, Trưởng Hợp phần Năng lượng Tái tạo, Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng, GIZ Việt Nam đánh giá: Mức độ tăng trưởng ĐMTMN tại Việt Nam nằm ngoài sức tưởng tượng của ngay cả những người trong ngành. So với khu vực, cũng như trên thế giới, có thể xem đây là một “hiện tượng”. 

Có nhiều yếu tố để ĐMTMN phát triển với tốc độ như thời gian vừa qua ở Việt Nam. Ngoài các ưu thế từ nguồn năng lượng này như tận dụng được tài nguyên có sẵn không mất chi phí đầu vào, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại chỗ vào giờ cao điểm, chi phí đầu tư giảm phải kể đến Việt Nam có những cơ chế, chính sách phù hợp giúp cho việc đầu tư trở nên hấp dẫn, không chỉ cho nhà đầu tư công nghiệp và thương mại mà ngay cho cả các hộ dân. 

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam như kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ 2 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện cho các công ty điện lực, nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng khi lắp đặt ĐMTMN. Các quy trình thủ tục hành chính đối với mô hình đầu tư này cũng đơn giản, gọn nhẹ.

Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng đã sẵn, cần thêm đòn bẩy - 2
Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực phát triển điện mặt trời mái nhà

Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, việc khai thác ĐMTMN chỉ mới chiếm phần nhỏ, nhiều nơi mới khai thác ở mức thấp hoặc vẫn đang để trống.

Ngoài quy mô hộ gia đình, điện mặt trời mái nhà còn có nhiều cơ hội để phát triển trên mái các công trình công cộng, chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại, nhất là các nhà máy, xí nghiệp hay trong các khu công nghiệp…

“Đòn bẩy” cho ngành năng lượng bền vững

Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ luôn đi cùng những thách thức. Tiềm năng có, chính sách có nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn e dè do đây là lĩnh vực mới, hiểu biết của họ còn hạn chế, nhiều thông tin trên thị trường, lo lắng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này… 

Mới đây, ngày 23/11, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho Điện mặt trời mái nhà khu Công nghiệp và Thương mại tại Việt Nam”. 

Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng đã sẵn, cần thêm đòn bẩy - 3
Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng, GIZ Việt Nam tại Hội thảo

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng, GIZ Việt Nam chia sẻ hy vọng sự hợp tác này đóng góp vào sự phát triển của điện mặt trời, đưa điện mặt trời trở thành một nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và bền vững cho khối thương mại – công nghiệp tại Việt Nam.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo bền vững, GIZ đã xây dựng và cung cấp hoàn toàn miễn phí tài liệu “Hướng dẫn đầu tư hệ thống ĐMTMN khu vực Thương mại – Công nghiệp” .

Bà Vũ Chi Mai cho biết: “Tài liệu hướng dẫn này như sổ tay giúp nhà đầu tư hiểu trước được về bức tranh tổng thể của ngành cho đến các bước thực hiện một cách cụ thể, chi tiết nhất. 

Qua sổ tay, họ biết sẽ phải làm việc với ai, tại thời điểm nào, có những câu hỏi, khó khăn gì trong từng giai đoạn của dự án, cách giải quyết có thể có là gì, các phân tích giúp họ đánh giá được mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất.”

Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng đã sẵn, cần thêm đòn bẩy - 4
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo

Tài liệu hướng dẫn còn thu thập những kinh nghiệm thực tế khi triển khai dự án tại Việt Nam nên rất hữu dụng và gần với thực tế. Phù hợp làm tài liệu tham khảo cho các nhà thầu EPC, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà phát triển dự án.

Có thông tin hỗ trợ, các nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn khi tìm con đường để đi, nhất là trong việc khai thác nguồn năng lượng hữu ích, có khi đang nằm ngay trên tài sản của mình.

Các nội dung chính trong Bộ tài liệu hướng dẫn đầu tư hệ thống điện mặt trời :

– Các chính sách và khung pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, phát triển ĐMTMN tại Việt Nam.

– Hướng dẫn lựa chọn mô hình đầu tư kinh doanh phù hợp.

– Mô tả các bước phát triển quan trọng của dự án ĐMTMN cùng các công vụ và danh sách kiểm tra. 

– Các gợi ý thực tiễn và hiểu biết dựa trên kinh nghiệm thực tế khi triển khai dự án tại Việt Nam.

Trường Thịnh