Bộ Công Thương đề nghị lùi thời hạn trình Quy hoạch điện VIII sang Quý II năm 2022

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2045 (Quy hoạch điện VIII) diễn ra ngày 21/2/2022.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công thương và các đại biểu tham gia, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có kết luận nhiều vấn đề.

Cụ thể, cơ bản thống nhất với Dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương báo cáo ngày 21/2/2022, trong đó đề xuất tổng công suất nguồn đặt tới năm 2030 khoảng 146.000 MW, đến năm 2045 khoảng trên 352.000 MW.

Tuy nhiên Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương điều chỉnh một số nội dung như sau.

Theo đó, đồng ý với kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chuyển đổi nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sang dùng nguồn khí LNG nhập khẩu vì đã đầu tư hạ tầng Trung tâm điện lực Quảng Trạch dùng cho hai Dự án Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2.

Quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2031-2045 còn quá cao (khoảng 25% trong cơ cấu công suất nguồn điện), Bộ Công thương rà soát giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Kết luận cũng nêu rõ, bên cạnh phương án cơ bản, Bộ Công thương có thể báo cáo phương án chuyển đổi năng lượng với các biện pháp mạnh mẽ hơn như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương để thực hiện sớm các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Đó là, chuyển đổi các dự án nhiệt điện than (Nam Định 1, Quảng Trị 1, Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2) sang điện khí hoặc năng lượng tái tạo thì tính khả thi trong việc đàm phán, chấm dứt cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Phát triển điện hạt nhân phù hợp để giảm nhiệt điện, điện khí thì trình tự thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định như thế nào? Mức độ ảnh hưởng đến môi trường của loạt hình năng lượng này so với nhiệt điện và điện khí ra sao?

Đề xuất tăng công suất một số nguồn điện tích năng, lưu trữ, hydrogen, điện sinh khối… thì giá thành sản xuất điện có đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả so với các nguồn điện khác không?

Cũng theo Thông báo kết luận này, Bộ Công thương cần nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ theo quy định, trong đó lưu ý thêm vấn đề để bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế, đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021-2030 các nguồn điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa triển khai, ước tính khoảng 6.500 MW.

Xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc đưa vào Quy hoạch điện VIII tổng công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 7.765 MW do người dân, doanh nghiệp đã tự lắp đặt (để được áp dụng quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), theo hướng dẫn chung của Bộ Công thương và được các tổng công ty điện lực thuộc EVN ký hợp đồng mua bán điện.

Đối với đề nghị của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương về việc lùi thời hạn trình Đề án Quy hoạch Điện VIII sang quý II/2022, Kết luận cũng nêu rõ, đây là Quy hoạch đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, do vậy Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 để báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi tổ chức hội nghị với các địa phương nhằm sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt theo đúng quy định.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương, diễn ra hôm 9/1/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu tập trung cao cho Quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bởi đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ.
Phó thủ tướng cho biết, ông đã có tới 20 cuộc họp, làm việc cùng Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII. Sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch thì thấy có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.
Vấn đề nữa là cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp, cần tiếp tục rà soát, trên tinh thần tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, giảm điện than. Trong năng lượng tái tạo, sẽ phát triển điện mặt trời ở một tỷ lệ phù hợp hơn bởi nguồn điện này còn có mặt hạn chế. Nếu đưa vào hệ thống quá nhiều điện mặt trời thì phải giảm điện từ các nguồn khác, dẫn tới nguy cơ sụt công suất.
“Quy hoạch này năm nay phải tập trung làm, không để chậm quá nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện”, Phó thủ tướng nhận xét.

Thanh tra toàn diện các dự án năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh

Tổng thanh tra Chính phủ vừa có Quyết định Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Quyết định này ban hành theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ.

Theo đó Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 85 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Tổng thanh tra Chính phủ giao Vụ trưởng Vụ I giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, xử lý hoặc trình Tông Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn thanh tra; Giao Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra | Chính phủ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra.

Ngoài các thành viên của Thanh tra Chính phủ, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Kèm theo quyết định này là danh sách 6 tỉnh có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió thời gian qua. Đó là UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu.

Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của điện mặt trời, điện gió đã bổ sung lượng điện lớn năng lượng tái tạo vào quy hoạch, vượt xa công suất điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh hàng chục lần. 

Điện mặt trời, điện gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch khiến một số tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận… xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện, bị giảm phát điện. 

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Cụ thể về điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.