Nơi trạm điện mặt trời bỏ hoang, nơi dân sống trong tù mù

(ANTV) – Đó là một thực tế đang diễn ra nhiều năm nay tại xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. 

Dự án Trạm ứng dụng điện mặt trời bị bỏ hoang ngay tại trụ sở xã Trà Thủy

Năm 2010, 24 xã miền núi đặc biệt khó khăn ở 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được Ủy ban Dân tộc chọn triển khai Dự án đầu tư Trạm ứng dụng điện mặt trời. Thế nhưng, đến nay những dự án này lại đang bị bỏ hoang, không giúp ích cho người dân vùng khó khăn.

Ngay trong khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, trụ ăngten thu phát sóng vệ tinh được dựng lên sừng sững, những tấm pin mặt trời được lắp ráp chắc chắn, dựng hàng rào B40 bảo vệ; trạm nạp năng lượng bố trí ngay sát cổng trụ sở để cho người dân sạc bình ắc quy… Song, tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Ba năm qua, tất cả các thiết bị này chỉ có giá trị duy nhất là trang trí – trang trí một cách lạc lõng và bất đắc dĩ.

Khi được hỏi, ông Hồ Văn Tự – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy thậm chí còn không biết dự án này do đơn vị nào đầu tư và cũng chỉ nghe nói ở tỉnh, ở Trung ương làm.

“Sau khi làm, ở tỉnh, ở huyện người ta xuống, người ta nói đây là điện năng lượng mặt trời. Giờ này, riêng ở trung tâm của xã  chưa sử dụng cái này” – Phó chủ tịch UBND xã Hồ Văn Tự nói.

Được triển khai năm 2011 nhưng dự án trạm ứng dụng điện mặt trời không được người dân quan tâm bởi đã có điện lưới quốc gia.

Trong khi hiều nhà dân sống trong cảnh không đài, không điện

Trong khi đó, tại tổ 1, thôn 1 và thôn 4, xã Trà Thủy – nơi mà đến giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia – nơi rất cần sự có mặt của những dự án như thế này thì bà con vẫn đang ngậm ngùi sống trong cảnh không đài, không điện.

Rút cuộc, một số hộ có điều kiện kinh tế phải tự bỏ tiền làm tuabin phát điện bằng sức nước; song, số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Hồ Văn Khánh – Thôn 4, xã Trà Thủy cho biết:  Gia đình nhà ông làm tuabin phát điện bằng sức nước, cả gia đình hết 6 triệu. Phải kéo từ trên suối bên kia xa lắm.

Ông Nguyễn Xuân Bắc

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi trao đổi: Đối với Dự án điện năng lượng mặt trời thì có những hiện nay thì nó không còn phù hợp nữa. Bởi vùng này điện quốc gia đã đến và dự án điện năng lượng mặt trời chỉ phát huy hiệu quả cho những vùng lõm, tức là vùng hiện nay điện không thể đến được.

Được biết, Dự án Điện mặt trời dành cho cho 70 xã miền núi có tổng kinh phí lên đến 7,9 triệu Euro; 2/3 trong số này là vốn vay từ nguồn ODA của Chính phủ Phần Lan.

Tính trung bình, kinh phí đầu tư cho mỗi xã thụ hưởng dự án ứng dụng điện mặt trời khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Số tiền này nếu đầu tư hợp lý thì chắc hẳn số hộ dân được thụ hưởng điện sẽ không nhỏ, chứ không rơi vào tình trạng bất cập như hiện nay.

BT

Cuộc chiến năng lượng mặt trời giữa Mỹ và châu Á

Về mặt tích cực, nhập khẩu được hàng loạt cell pin mặt trời giá rẻ, Mỹ có thể đạt được mục tiêu lắp đặt 6 gigawatt trong năm nay.

Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về áp dụng thuế nhập khẩu cao đối với cell pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc và Đài Loan đã khiến vài nhóm công nghiệp ca thán và lên tiếng cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp khi giá cả tăng cao.

Quyết định này của Mỹ đáp trả lại vấn đề có nhiều cell pin giá rẻ photovoltaic (PV) của Trung Quốc và Đài Loan trong năm qua ồ ạt được nhập vào Mỹ.

Pin PV Trung Quốc xuất đến Mỹ từng vấp phải mức thuế chống phá giá, từ 26,33% đến 58,87%, trong khi pin PV của Đài Loan sẽ phải chịu mức thuế chống phá giá từ 27,59% lên đến 44,18%.

Biết được quyết định sẽ nâng mức thuế của Mỹ, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cố gắng tăng lượng xuất khẩu panel năng lượng mặt trời vào Mỹ trong nửa đầu năm nay. Tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Đài Loan đến Mỹ trong nửa đầu 2014 đạt đến 2,3 gigawatt (GW). Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đo lượng xuất xưởng bằng chỉ số watt mà tấm panel có thể tạo ra điện.

Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce dự đoán, nếu gộp cả các công ty sản xuất của Mỹ, trong đó có First Solar và SunPower với công suất gần 4GW, thì Mỹ sẽ có đủ module năng lượng mặt trời để đạt được mục tiêu 6GW trong năm nay.

Do vậy, cho dù Mỹ có đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu mảng sản phẩm này từ Trung Quốc và Đài Loan thì các nhà công nghiệp dự đoán phải đến năm sau, chính sách thuế ấy mới thực sự cho thấy tác dụng.

Bởi lẽ giá của module PV đạt ở mức thấp nhất hồi năm ngoái, và các nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra quan ngại về lợi nhuận sẽ giảm. Giá PV tăng lại sau khi Trung Quốc bão hoà thị trường với các module panel năng lượng mặt trời giá rẻ. Kết quả là công suất PV tăng từ 31 GW trong năm 2012 lên đến 39 GW năm ngoái, thậm chí ngay cả khi đầu tư vào lĩnh vực này có giảm xuống (theo báo cáo của Bloomberg).

Luồng cell PV giá rẻ từ Trung Quốc và Đài Loan đổ ồ ạt vào Mỹ khiến tấm năng lượng mặt trời chỉ còn 40 cent mỗi watt hồi trước tháng 6 vừa qua. Trung Quốc không chỉ sử dụng lao động chi phí rẻ hơn Mỹ nhưng quốc gia này còn có một ngành công nghiệp PV được trợ cấp rất nhiều. Ví dụ năm 2010, Bộ năng lượng Mỹ ước tính chính phủ Trung Quốc đổ cho các nhà sản xuất hơn 30 tỉ USD tiền trợ cấp.

Khác với Trung Quốc, Đài Loan lại bị ảnh hưởng về mức thuế chống phá giá mới, nghĩa là họ có thể mất nhiều đơn hàng PV của Mỹ vì mức giá cao hơn trước. Mức thuế mới cũng sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm hiệu năng cao của Đài Loan, vì đó là mảng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Trong số các công ty sản xuất PV Đài Loan, Motech Industries bị đánh mức thuế cao nhất. Kết quả là Motech đành phải cân nhắc xem liệu có nên xuất khẩu sang Mỹ nữa hay không.