Nhật Bản đưa nhà máy điện mặt trời trên mặt nước vào sử dụng

Công ty liên doanh Kyocera TCL Solar LLC của Nhật Bản vừa hoàn tất việc xây dựng 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời với thiết kế nổi trên mặt nước.

Kyocera TCL Solar LLC, công ty liên doanh do tập đoàn công nghệ Kyocera và công ty Century Tokyo Leasing của Nhật Bản thành lập, vừa công bố rằng đã hoàn tất việc xây dựng 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Những tấm pin mặt trời nổi trên mặt nước hồ Nishihira, thành phố Kato, Nhật Bản

Đây là 2 nhà máy điện mặt trời khổng lồ với thiết kế nổi trên mặt nước tại hồ Nishihira và hồ Higashihara ở thành phố Kato, tỉnh Hyogo, miền Trung Nhật Bản. Hai nhà máy vừa khánh thành vào cuối tháng 3, được kỳ vọng mỗi năm sẽ tạo ra khoảng 3.300 megawatt giờ (MWh)- một lượng điện sinh hoạt đủ để cung cung cấp cho khoảng 920 hộ gia đình.

Hình ảnh những tấm pin mặt trời được thiết kế nổi trên mặt nước

Công ty Kyocera TCL cho biết họ đã sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời Ciel et Terre’s Hydrelio đặt nổi trên mặt nước khi xây dựng hai nhà máy. Mô hình này đã được áp dụng tại Pháp và hoạt động hiệu quả. Các tấm pin mặt trời này sử dụng polyethylene mật độ cao có thể chịu được tia cực tím và chống ăn mòn và cũng có thể tái chế.

Ngoài ra việc triển khai các nhà máy điện mặt trời này mang lại lợi ích về nhiều mặt như không gây hại đến môi trường, hệ thống sản xuất quang năng nổi trên mặt nước giúp sản sinh nhiều điện năng hơn so với hệ thống đặt trên mái nhà và mặt đất do tác động làm mát của nước. Hệ thống này còn được thiết kế và chế tạo nhằm chịu được các tác động lớn về vật lý ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa bão.

Việc xây dựng thành công mô hình này có thể được xem là hướng phát triển tốt cho việc sản xuất điện năng tái sinh hiệu quả trong tương lai.

Người dân Triều Tiên thích sử dụng điện năng lượng mặt trời

Ngày càng nhiều người ở Triều Tiên lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời hộ gia đình, để xạc điện thoại di động và thắp sáng cho ngôi nhà.

Reuters đưa tin, những bức ảnh mà hãng tin này có được cho thấy có sự hiện diện của các tấm pin năng lượng mặt trời trên các khu căn hộ, không chỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng mà còn ở nhiều thành phố khác. Chúng được treo ngoài ban công hoặc trên cửa sổ.

Triều Tiên, năng lượng, mặt trời
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên ban công một khu chung cư ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)

“Hẳn phải có sự gia tăng gấp 3 lần số pin năng lượng mặt trời so với năm ngoái”, Reuters dẫn lời Simon Cockerell, người thường xuyên tới Triều Tiên với tư cách là tổng quản lý của nhóm Koryo Tours trụ sở tại Bắc Kinh.

“Một số được chế tạo trong nước, vì vậy giá thành có thể rẻ hơn”.

Triều Tiên thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu điện, khiến cho nhiều khu vực của nước này tối om, trái ngược với hình ảnh ban đêm sáng choang ở Hàn Quốc khi chụp qua vệ tinh.

Nhu cầu về điện tăng cao ở Triều Tiên thời gian gần đây vì khi thu nhập tăng, người dân có điều kiện mua sắm các mặt hàng điện tử và điện thoại di động. Nước này hiện có 2,5 triệu người sử dụng điện thoại di động, chiếm gần 10% dân số.

Tuy có được số liệu chuẩn xác về Triều Tiên là một điều khó khăn, nhưng theo Reuters, những hình ảnh chụp được về các thành phố nước này cho thấy, khoảng 10-15% các căn hộ đô thị có sự hiện diện của pin năng lượng mặt trời gắn ở cửa sổ hoặc ban công.

Ở thành phố Dandong của Trung Quốc giáp với Triều Tiên, nhiều biển hiệu lớn màu đỏ được trưng bên ngoài các cửa hiệu quảng cáo về pin năng lượng mặt trời và các pin bộ, nhắm tới khách hàng ở bên kia biên giới.

Tại một cửa hiệu, một bộ thiết bị được rao bán có thể tạo đủ điện để chạy một tivi, máy tính xách tay, điện thoai di động, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện và thậm chí cả một chăn điện – toàn những mặt hàng ngày càng phổ biến ở Triều Tiên.

“Người Triều Tiên không thực sự mua các tấm pin mặt trời của chúng tôi cho tới cách đây 2 năm”, Yang Yanmeng, một thương nhân ở tỉnh Shandong chuyên về mặt hàng này kể với Reuters qua điện thoại.

“Giờ đây, có đến 80-90% các sản phẩm của công ty chúng tôi được bán cho người Triều Tiên”.

Thanh Hảo