Có 24 dự án điện gió hoàn thành trước thời hạn giá ưu đãi (FIT) hết hạn

Tính đến đầu tháng 9, đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất 963 MW đã hoàn thành COD và đưa vào phát điện trước thời hạn giá FIT ưu đãi hết hạn 31/10/2021

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8 có 3 nhà máy hoàn thành xong thử nghiệm và được công nhận vận hành thương mại (COD), với tổng công suất 48,8 MW.

Ba dự án đủ điều kiện vận hành COD trong tháng 8, gồm Hoà Bình 1 – giai đoạn 2, công suất 15,2 MW, Số 5 Ninh Thuận (21 MW) và nhà máy điện gió 7A (12,6 MW).

Luỹ kế 8 tháng, có 24 nhà máy điện gió được vận hành thương mại, tổng công suất 963 MW.

Trong khi đó, tổng số nhà máy điện gió đăng ký đóng điện, hoà lưới và thử nghiệm vận hành thương mại với EVN là 106 nhà máy, tổng công suất 5.655,5 MW. Như vậy, công suất vận hành điện gió mới đạt gần 1/6 so với công suất dự kiến được doanh nghiệp đăng ký vận hành. Còn 2 tháng nữa để các dự án đã đăng ký đóng điện, thử nghiệm COD với EVN hoàn thiện các thủ tục đấu nối, để kịp vận hành trước 31/10/2021.

Trường hợp các dự án không kịp vận hành trước 1/11, thời điểm hết hiệu lực giá cố định (FIT) ưu đãi cho điện gió, tức là số dự án này sẽ không được hưởng giá FIT trong 20 năm. Thay vào đó, số dự án vào sau ngày 1/11 có thể sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá, và Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Các vướng mắc phát triển điện mặt trời áp mái tại khu công nghiêp và thương mại (C&I) cần được tháo gỡ kịp thời

Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức buổi tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà Khu công nghiệp- Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt”. Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp tháo gỡ những bất cập trong phát triển điện mặt trời mái nhà, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hàng loạt quy định gây khó cho doanh nghiệp

Là doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái có công suất thiết kế 620.73KWp, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc phát triển dự án Công ty CP VNG, hiện sản lượng điện của công ty sau khi cung cấp cho chính nhu cầu còn dư đã tải lên lưới điện hơn 200.000KWH tương đương 300 triệu đồng, nhưng chưa đuợc phía điện lực trả tiền.

Nguyên nhân là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu công ty phải đăng ký ngành nghề sản xuất điện, sau đó xuất hóa đơn thì mới đồng ý thanh toán.

Song, việc doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề là không đơn giản. Bởi, “đối với công ty đa ngành nghề và có vốn đầu tư nước ngoài, khi đăng ký bổ sung ngành nghề phải tuân thủ theo biểu cam kết ngành nghề WTO. Do đó, chúng tôi rất khó để đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh điện”, ông Thông chia sẻ.

Cũng liên quan đến chính sách thu mua điện mặt trời dư thừa, bên cạnh việc đăng ký ngành nghề kinh doanh, ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó trưởng ban thường trực Ban Năng lượng tái tạo, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua 9 tháng kể từ khi chính sách giá FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng, khi mà hầu hết các hệ thống điện mặt trời mái nhà đều đã vận hành ổn định thì những khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại đó.

Hiện, Chính phủ chưa ban hành cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới quy định mức giá mua điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà. Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, hiện việc triển khai thi công hệ thống điện áp mái trong khu công nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các yêu cầu liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư và xây dựng.

Thời gian vừa qua, nguồn điện mặt trời đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, nguồn năng lượng từ hệ thống điện mái nhà đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sang năm 2021, ngoài việc chờ đợi chính sách mới, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.

Tại toạ đàm “Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt”, nhiều chuyên gia cho rằng, các dự án lắp đặt hệ thống điện mái nhà trong khu công nghiệp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường với ngành nghề sản xuất điện. Yêu cầu này được Bộ Tài nguyên và môi trường viện diễn theo quy định tại số thứ tự 105 Phụ lục II mục I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP liên quan đến Luật Môi trường. 

Mặt khác, trên thực tế, còn nhiều bất cập liên quan tới yêu cầu thực hiện tác động môi trường của các dự án điện mặt trời áp mái nhà trong khu công nghiệp. Vì phần lớn số lượng báo cáo tác động môi trường được phê duyệt ban đầu của các dự án khu công nghiệp chưa bao gồm ngành nghề sản xuất, phân phối điện. 

Trong đó, theo Điều 20 và Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong trường hợp dự án tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án khu công nghiệp mới phải lập lại tác động môi trường và giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo tác động môi trường.

Bên cạnh đó, danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chỉ bao gồm loại hình nhiệt điện than và điện hạt nhân (Nhóm I) mà không bao gồm loại hình sản xuất điện năng lượng tái tạo nào (bao gồm cả điện năng lượng mặt trời). Những bất cập này đang khiến các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời phải tạm dừng triển khai vì chưa nhận được hướng dẫn mới, cụ thể từ các bộ, ngành.

Giải pháp khơi thông vướng mắc

Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp phát triển điện năng lượng mặt trời, ông Phạm Trọng Quý Châu cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có giải pháp hợp lý và tối ưu trong việc giải quyết việc cắt giảm mua điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần có hướng dẫn điều chỉnh giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư (nếu có) có liên quan đến đầu tư, vận hành, kinh doanh hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (FDI).

Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn và thủ tục xin giấy phép xây dựng hoặc miễn giấy phép xây dựng liên quan đến lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cần có hướng dẫn và thủ tục xin thẩm định phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải Quan cần có hướng dẫn về thủ tục xin ưu đãi thuế đối với việc nhập khẩu thiết bị, vật tư để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà cũng như chính sách ưu đãi đối với các loại thuế có liên quan đến việc mua, bán điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp.

Theo ông Châu, sử dụng năng lượng sạch từ hệ thống điện năng lượng mặt trời trên chuỗi các nhà máy, nhà xưởng không chỉ là mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển bền vững đối với các tập đoàn sản xuất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp FDI cũng đang rất quan tâm đến mục tiêu này.

Các kho bãi sẵn có của các doanh nghiệp FDI có hoạt động sản xuất xuất khẩu trong các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM (chiếm khoảng 35%, và tỷ lệ này còn lớn hơn tại các các tỉnh công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu). Do đó, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời rất cần được các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn để phát triển.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, năng lượng sạch là một trong những tiêu chí thực hiện “chứng chỉ xanh” theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần có định hướng ngay từ khâu phát triển kế hoạch về sử dụng năng lượng, để chiếm lợi thế tối đa cho các ngành hàng xuất khẩu như thực phẩm, dệt may, da giầy, chế biến gỗ và thuỷ sản.

Để thúc đẩy mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, theo ông Phòng, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, cũng như các quy định rõ ràng về thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà như hướng dẫn cụ thể về quy trình lập cáo cáo đánh giá tác động môi trường, tiêu chí đánh giá điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ vai trò của các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chiến lược thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là về mục tiêu khuyến khích, phát triển sử dụng nguồn năng lượng sạch trong mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về phía doanh nghiệp, ông Thông, Giám đốc phát triển dự án Công ty CP VNG cũng đề nghị, ngành điện lực cần xem xét dùng phương án cấn trừ sản lượng điện cho doanh nghiệp có lắp mái năng lượng mặt trời và không bắt buộc phải đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh điện để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo The Leader