Khởi động dự án Xây dựng tiêu chuẩn đấu nối hệ thống điện mặt trời lắp mái vào hệ thống điện quốc gia Việt Nam

Sáng ngày 3/10/2014, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị khởi động dự án Xây dựng tiêu chuẩn đấu nối hệ thống điện mặt trời lắp mái vào hệ thống điện quốc gia Việt Nam do EVNCPC đăng cai tổ chức.

Phó Tổng giám đốc EVNCPC Nguyễn Thành phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị: Bộ Công Thương, Cục điều tiết điện lực (ERAVE), EVN, EVNCPC, Hội điện lực miền Trung và Tây Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Hội đồng quốc tế Đông Nam Á (ICASEA), Trung tâm Tư vấn công nghệ tiết kiệm năng lượng TP Đà Nẵng (DECC), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức, Ủy ban điều tiết năng lượng Philippines…

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành – Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, được sự cho phép của EVN, EVNCPC phối hợp với ICASEA, DECC nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đấu nối hệ thống điện mặt trời lắp mái vào hệ thống điện quốc gia Việt Nam. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng bản thảo chất lượng Quy định công tơ hai chiều và tiêu chuẩn đấu nối hệ thống điện mặt trời lắp mái tại Việt Nam vào hệ thống điện phân phối để trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt và ban hành thành các quy định quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống năng lượng tái tạo đấu nối lưới điện phân phối tại Việt Nam.

Thời gian qua, với vai trò là đơn vị phân phối và kinh doanh điện năng ở khu vực miền Trung, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, EVNCPC đã xây dựng lộ trình phát triển lưới điện thông minh, trong đó có “Dự án thử nghiệm tích hợp các nguồn năng lượng” vào lưới điện phân phối. Trong thời gian qua, EVNCPC đã tự nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng thử nghiệm công tơ đo đếm điện năng hai chiều đồng bộ với tấm pin năng lượng mặt trời (880W) thuộc dự án thử nghiệm tích hợp các nguồn năng lượng mới, tái tạo. Công tơ hai chiều nêu trên đã được phê duyệt mẫu theo Quyết định số 1856/QĐ-TĐC ngày 26/6/2013 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Tiềm năng phát triển và khai thác các nguồn năng tái tạo rất lớn đặc biệt là các nguồn năng lượng tại các hộ gia đình như: pin mặt trời, tuabin gió… Nếu khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng này sẽ giảm gánh nặng về đầu tư nguồn cho EVN và tạo ra nguồn năng lượng xanh và sạch. Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước chưa có quy định, chính sách, cơ chế cho việc đấu nối tích hợp các nguồn năng lượng này vào lưới điện trung hạ thế…

Hiện nay, Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng có nhu cầu lớn về phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà tại nhiều địa điểm, bao gồm: văn phòng, hộ gia đình, khách sạn… Tuy nhiên, những rào cản chính là thiếu các quy định và tiêu chuẩn kết nối. Do đó không có hệ thống pin mặt trời được chính thức kết nối với lưới điện quốc gia. Với việc bù điện năng, năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ cung cấp điện cho lưới điện khi nhu cầu thấp hơn so với nguồn phát điện và nhập khẩu điện khi nhu cầu cao hơn so với nguồn phát. Tiêu chuẩn kết nối và bù điện năng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh hơn của năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Chúng là hai trong số nhiều biện pháp được đề nghị trong phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời năng lượng TP Đà Nẵng giai đoạn 2014 – 2020.

Việt Nam là nước được đánh giá có tiềm năng năng lượng mặt trời. Theo kết quả khảo sát, số giờ nắng trung bình năm ở khu vực miền Bắc là 1.800 – 2.100 giờ, và đối với khu vực miền Nam là từ 2.000 – 2.600 giờ.

Theo thống kê, tổng công suất lắp đặt pin mặt trời trên toàn quốc hiện đạt khoảng 4 MWp. Khoảng hơn chục nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa đã được điện khí hóa bằng các hệ điện mặt trời gia đình và được sử dụng điện mặt trời qua các trạm sạc ắc quy. Hàng trăm làng điện mặt trời, trạm điện mặt trời nhà văn hóa, trạm thu vệ tinh, trạm thông tin viễn thông điện mặt trời ra đời. Hàng nghìn đèn báo hàng hải, đường thủy, trạm hải đăng đã được khai thác và phục vụ hiệu quả nhờ điện mặt trời.

Việc ứng dụng điện mặt trời nối lưới mới bước đầu phát triển ở Việt Nam những năm gần đây. Từ năm 2000 – 2010, các mô hình điện mặt trời nối lưới chủ yếu mang tính chất trình diễn, việc nghiên cứu chế tạo inverter nối lưới ở Việt Nam cũng mới chỉ trong giai đoạn đầu phát triển, tổng công suất điện mặt trời nối lưới chỉ đạt khoảng 185 kWp. Tuy nhiên đến nay, việc ứng dụng điện mặt trời nối lưới đã phát triển rất mạnh mẽ, tổng công suất điện mặt trời nối lưới đến năm 2014 đạt khoảng gần 1MWp.

Tham dự Hội nghị, ông Legario Galang (Ủy ban Điều tiết năng lượng Philippines) đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học rút ra từ dự án xây dựng Quy định công tơ hai chiều và tiêu chuẩn đấu nối điện mặt trời nối lưới tại Philippines.

Nguồn: http://www.khpc.vn/161/6279/default.aspx

Giới thiệu Năng lượng tái tạo
Tôi là người rất đam mê năng lượng sạch và là Fouder của thương hiệu Samtrix Solar

Bình luận về bài viết này